Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu



  • Vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp sản xuất ra hàng xuất khẩu có thời hạn nộp thuế là 275 ngày với điều kiện:
    Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan và không còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt tại thời điểm đăng ký tờ khai.

    Phải đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên thuộc Bảng đăng ký tại một Chi cục Hải quan nơi thuận tiện nhất.

    Trường hợp xuất khẩu ngoài thời hạn nộp thuế thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT và tính phạt chậm nộp kể từ ngày quá hạn nộp thuế đến ngày thực xuất sản phẩm hoặc đến ngày thực nộp thuế (nếu ngày thực nộp thuế trước ngày thực xuất sản phẩm). Doanh nghiệp sẽ được hoàn lại số thuế đã nộp khi thực tế xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư đã nộp thuế.

    Khi đã đăng ký hợp đồng tại đơn vị Hải quan nào thì các lô hàng nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải được làm thủ tục tại đơn vị hải quan đó.

    Khi xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu, doanh nghiệp được làm thủ tục xuất khẩu ở các đơn vị hải quan khác nhau nhưng phải có đơn đăng ký cửa khẩu xuất cho đơn vị Hải quan nơi đã đăng ký hợp đồng biết để theo dõi và thanh khoản.

    I/ THỦ TỤC NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ

    Kiểm tra hồ sơ hải quan và danh mục nguyên liệu, vật tư:
    Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu thực hiện theo Quy trình hàng hóa nhập khẩu thương mại tại Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 và thực hiện các việc sau đây:

    1.1. Kiểm tra thông tin khai hải quan về nguyên liệu, vật tư nhập khẩu với mặt hàng dự kiến sản xuất để xuất khẩu trên bảng danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu (mẫu 06/DMNVL-SXXL).

    1.2. Công chức tiếp nhận danh mục nguyên liệu, vật tư ký tên đóng dấu công chức vào bản danh mục, giao doanh nghiệp 01 bản, cơ quan Hải quan lưu 01 bản để theo dõi, đối chiếu.

    Lấy mẫu nguyên liệu, vật tư:

    2.1. Nguyên tắc lấy mẫu, số lượng lấy mẫu, nơi lưu mẫu, thời gian lưu mẫu thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 và tuỳ từng trường hợp, Lãnh đạo Chi cục ghi ý kiến chỉ đạo và quyết định lấy mẫu lên mục 3.2.3 của Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan.
    2.2. Thủ tục lấy mẫu:
    a) Lấy mẫu đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa:
    a.1) Lập phiếu lấy mẫu và thực hiện lấy mẫu nguyên liệu, vật tư;
    a.2) Lập 02 bản Thống kê nguyên liệu, vật tư lấy mẫu;
    a.3) Niêm phong mẫu cùng 01 phiếu lấy mẫu;
    a.4) Giao 01 Phiếu lấy mẫu và mẫu đã niêm phong kèm 01 bản Thống kê nguyên liệu, vật tư lấy mẫu cho doanh nghiệp; lưu cùng hồ sơ 01 Phiếu lấy mẫu, 01 bản Thống kê nguyên liệu, vật tư lấy mẫu;
    a.5) Ghi tên nguyên liệu, vật tư đã lấy mẫu vào ô ghi kết quả kiểm tra hàng hóa của tờ khai.
    (Tờ khai đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, việc kiểm tra thực tế hàng hóa do Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thì việc lấy mẫu thực hiện theo điểm b.2 dưới đây).

    b) Trường hợp lô hàng nhập khẩu miễn kiểm tra thực tế:
    b.1) Trường hợp đăng ký tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, việc lấy mẫu do Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện với, trình tự lấy mẫu theo điểm 2.2.a nêu trên;

    b.2) Trường hợp đăng ký tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:
    b.2.1) Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu lập Phiếu lấy mẫu gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu, ghi vào Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu: “Đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu lấy mẫu nguyên liệu theo Phiếu lấy mẫu gửi kèm”;
    b.2.2) Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện lấy mẫu nguyên liệu trước khi giải phóng hàng và trình tự lấy mẫu điểm a dẫn trên, trừ việc lập Phiếu lấy mẫu và Thống kê nguyên liệu lấy mẫu.

    Đối với những Chi cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin, ngoài các quy định nêu tại điểm 1, điểm 2 trên phải thực hiện thêm các công việc sau:
    a) Công chức tiếp nhận, đăng ký tờ khai nhập khẩu:
    a.1) Nhập máy danh mục nguyên liệu, vật tư nhập khẩu do doanh nghiệp đăng ký khi đăng ký tờ khai nhập khẩu lô hàng đầu tiên;
    a.2) Nhập máy các số liệu của tờ khai hoặc đối chiếu số liệu doanh nghiệp truyền đến với tờ khai khi đăng ký từng lô hàng.

    b) Xác nhận đã làm thủ tục hải quan trên máy:
    b.1) Đối với lô hàng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức nhập máy ngày hoàn thành thủ tục hải quan trước khi đóng dấu xác nhận đã làm thủ tục hải quan trên tờ khai.
    b.2) Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức kiểm tra thực tế hàng hóa nhập máy chi tiết hàng hóa thực nhập và ngày hoàn thành thủ tục hải quan sau khi có kết quả kiểm tra thực tế.

    II/ ĐĂNG KÝ, ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH MỨC; KIỂM TRA ĐỊNH MỨC; ĐĂNG KÝ DANH MỤC SẢN PHẨM XUẤT KHẨU (ÁP DỤNG QUẢN LÝ BẰNG MÁY TÍNH)

    Địa điểm, thời điểm đăng ký, điều chỉnh định mức đã đăng ký, mẫu Bảng đăng ký định mức thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 33 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

    Công việc thực hiện:
    2.1. Tiếp nhận bảng đăng ký định mức hoặc bảng điều chỉnh định mức:
    a) Tiếp nhận bảng đăng ký định mức của doanh nghiệp hoặc bảng điều chỉnh định mức đã đăng ký.
    b) Kiểm tra việc doanh nghiệp khai các tiêu chí trên bảng đăng ký định mức;
    c) Ghi ngày, tháng, năm tiếp nhận vào bảng đăng ký định mức;
    d) Ký tên, đóng dấu công chức và cấp số tiếp nhận lên cả 02 bản;
    đ) Trả cho doanh nghiệp 01 bản; bản còn lại lưu theo dõi.

    2.2. Đối với những Chi cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin ngoài các công việc nêu tại điểm 2.1 khoản 2 Mục II nêu trên phải thực hiện thêm các công việc sau:
    a) Tiếp nhận đăng ký danh mục sản phẩm xuất khẩu, kiểm tra tên gọi, mã số, đơn vị tính và ký tên đóng dấu công chức vào 02 bản kê danh mục. Giao doanh nghiệp 01 bản, 01 bản lưu.
    b) Nhập máy danh mục sản phẩm xuất khẩu.
    c) Nhập máy định mức.

    2.3. Kiểm tra định mức đối với trường hợp nghi vấn định mức đăng ký hoặc điều chỉnh không đúng với định mức thực tế như quy định từ điểm 4.2 đến điểm 4.6 khoản II Mục II Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 4/12/2008 của Bộ Tài chính và quy trình nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 1179/QĐ-TCHQ ngày 17/06/2009.



  • III/ THỦ TỤC XUẤT KHẨU SẢN PHẨM:

    Thủ tục hải quan đối với sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư số 79/2009/TT-BTC và các công việc sau:
    1.1. Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức kiểm tra đối với chiếu mẫu nguyên liệu lấy khi nhập khẩu do doanh nghiệp xuất trình với nguyên liệu, vật tư cấu thành trên sản phẩm thực tế xuất khẩu (trừ trường hợp trong quá trình sản xuất tạo thành sản phẩm, nguyên liệu bị biến đổi, bị chuyển hóa, không giữ nguyên trạng thái ban đầu thì không phải đối chiếu mẫu nguyên liệu); đối chiếu thực tế sản phẩm xuất khẩu với bản định mức nguyên liệu, vật tư đã đăng ký do doanh nghiệp xuất trình.
    Khi có nghi vấn nguyên liệu, vật tư cấu thành trên sản phẩm xuất khẩu không phù hợp với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu hoặc sản phẩm xuất khẩu không đúng với bảng định mức thì lấy mẫu và niêm phong hoặc chụp ảnh mẫu sản phẩm (đối với trường hợp không thể lấy mẫu), lập Biên bản chứng nhận và thực hiện tiếp các thủ tục xuất khẩu cho lô hàng. Sau đó, trình Lãnh đạo Chi cục chỉ đạo xử lý và có thể trưng cầu giám định cơ quan quản lý chuyên ngành khi cần thiết.
    1.2. Trường hợp đơn vị Hải quan làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm không phải là đơn vị Hải quan làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư:
    Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu tiếp nhận đơn đăng ký cửa khẩu xuất khẩu, ghi ý kiến vào bản đăng ký và Lãnh đạo Chi cục ký, đóng dấu Chi cục để trả cho doanh nghiệp 01 bản kèm hồ sơ nộp cho Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất làm thủ tục xuất khẩu; lưu 01 bản để theo dõi.

    1.3. Đối với những Chi cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện thêm các công việc sau:
    a) Công chức đăng ký tờ khai xuất khẩu: Nhập máy các số liệu của tờ khai theo các tiêu chí trên máy tính hoặc đối chiếu số liệu doanh nghiệp truyền đến với tờ khai.

    b) Công chức Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa: thực hiện việc nhập máy chi tiết kết quả kiểm tra sau khi có kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu.

    c) Nhập máy ngày thực xuất: công chức căn cứ trên tờ khai đã có xác nhận thực xuất để nhập ngày thực xuất vào máy hoặc khi nhận được Bảng thống kê Biên bản bàn giao từ Hải quan cửa khẩu (đối với hàng chuyển cửa khẩu).

    Đối với trường hợp sản phẩm xuất khẩu theo hình thức XNK tại chỗ:
    Thực hiện theo thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ theo quy định hiện hành.

    IV/ THỦ TỤC THANH KHOẢN TỜ KHAI NHẬP SXXK

    Nơi làm thủ tục thanh khoản, nguyên tắc thanh khoản, hồ sơ thanh khoản thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 35, Điều 36, Điều 117 Thông tư số 79/2009/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn;

    Thủ tục thanh khoản:
    Bước 1. Tiếp nhận hồ sơ thanh khoản:
    Khi tiếp nhận hồ sơ thanh khoản, công chức Hải quan thực hiện:
    a) Kiểm tra tính đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ của bộ hồ sơ thanh khoản do doanh nghiệp nộp.

    b) Nếu hồ sơ đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, vào sổ theo dõi thanh khoản, lấy số. Lập 02 bản Phiếu giao nhận hồ sơ để giao doanh nghiệp 01 bản và lưu 01 bản

    c) Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì hướng dẫn doanh nghiệp nộp hoặc xuất trình bổ sung hoặc trả lời từ chối tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ lý do trên Phiếu yêu cầu nghiệp vụ và trả hồ sơ.

    Bước 2. Phân loại hồ sơ:
    a) Đối với hồ sơ đầy đủ theo quy định, công chức kiểm tra hồ sơ đối chiếu tính thống nhất, hợp pháp của hồ sơ, đối chiếu với quy định hiện hành để phân loại hồ sơ thành hai loại: hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

    b) Nếu hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì thực hiện tiếp bước 3, 4 dưới đây.

    c) Nếu hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì thực hiện bước 3 sau khi đã hoàn thành bước 4 (trừ việc bàn giao hồ sơ lưu).

    Bước 3. Xử lý hồ sơ thanh khoản của doanh nghiệp
    Đối với những hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì thực hiện:
    a) Nếu thanh khoản thủ công:
    a.1) Kiểm tra, đối chiếu số liệu trên tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, định mức với hồ sơ thanh khoản của doanh nghiệp. Đối với những tờ khai có nghi vấn thì đối chiếu với tờ khai lưu tại Chi cục Hải quan.
    a.2) Kiểm tra kết quả tính toán trên bảng thanh khoản.

    b) Nếu thanh khoản bằng máy tính: Đối chiếu số liệu các tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, định mức, hồ sơ thanh khoản của doanh nghiệp với số liệu trên máy.

    c) Trường hợp số liệu thanh khoản của doanh nghiệp có sai sót thì yêu cầu doanh nghiệp giải trình và báo cáo Lãnh đạo Chi cục xem xét chỉ đạo.

    Bước 4. Thủ tục hoàn thuế, không thu thuế:
    a) Thực hiện theo khoản 5 và 6 Điều 127 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính và Mục IV Quy trình xét hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 2424/QĐ-TCHQ ngày 27/11/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

    b) Đóng dấu đã thanh khoản, hoàn thuế (không thu thuế):
    b.1) Đóng dấu đã thanh khoản lên tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu bản lưu Hải quan và bản lưu người khai hải quan đối với trường hợp thanh khoản nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để SXXK có thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

    b.2) Đóng dấu hoàn thuế (không thu thuế) trên tờ khai bản lưu người khai hải quan tại lần làm thủ tục hoàn thuế (không thu thuế) cuối cùng, cán bộ thanh khoản tự lập phụ lục theo dõi nội dung đã thanh khoản trong từng lần để đảm bảo chính xác việc thanh khoản.

    b.3) Đóng dấu đã thanh khoản vào các bảng biểu thanh khoản đồng thời ký, đóng dấu công chức.

    c) Bàn giao hồ sơ lưu sang bộ phận phúc tập để tiến hành phúc tập theo quy định.