Cảng ICD - Mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức !!!



  • ICD (Inland Container Depot) – Điểm thông quan nội địa, hay còn được gọi là cảng cạn/ cảng khô/ cảng nội địa, hoặc gọi tắc là Depot … là một địa điểm thông quan hàng hóa nằm trong nội địa; giúp cho cảng biển giải phóng hàng nhanh, tăng khả năng thông qua nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, thủ tục hải quan…

    1, Đôi điều khái quát về mô hình ICD
    Cảng cạn, loại hình cở sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics, đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ, nhưng chỉ được sử dụng đúng chức năng vào đầu những năm 1970 với sự phát triển của hệ thống cảng container và sau đó ngày càng phổ biến khắp thế giới.
    Các dịch vụ chính của cảng cạn bao gồm điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container có hàng, container rỗng và container hàng lạnh, dịch vụ bốc dỡ container, vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trường, siêu trọng, làm thủ tục hải quan, làm kho ngoại quan…
    Ngoài ra, cảng cạn còn có thể có những chức năng phụ như đóng rút hàng tại bãi, lắp đặt trang thiết bị, kho đóng hàng lẻ, làm bao bì, đóng gói chân không và vẽ mã hiệu hàng hóa, sửa chữa và vệ sinh container, vận chuyển hàng nội địa …

    Ngày 16/4/2003, Bộ Tài Chính đã có QĐ số 53/2003/QĐ-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu, chính thức gọi ICD là điểm thông quan nội địa. Tại các ICD, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu phải được chứa trong các container và chịu sự kiểm tra, giám sát, làm thủ tục hải quan.

    2, Vai trò của ICD trong vận tải đa phương thức

    Tại Việt Nam, ngành logistics chiếm khoảng 25% GDP/năm, tương đương 10,5-17,5 tỉ USD. Vì vậy, việc kết hợp chức năng của trung tâm logistics với dịch vụ của cảng cạn như vận tải/kho vận, phân phối/thu gom hàng hóa, thông quan nội địa... rất quan trọng. Nó góp phần hạn chế sự quá tải của hệ thống cảng biển, đẩy mạnh giao lưu thương mại, gia tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

    Xét về hiệu quả kinh tế, cảng cạn là xu thế phát triển tất yếu. Nó có thể góp phần làm giảm ách tắc cảng biển, là "tuyến hậu phương vững chắc" của cảng biển, tăng khả năng thông quan nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan… Đối với những khu vực xa cảng biển, chi phí vận chuyển thẳng ra cảng tốn kém hơn chi phí trung chuyển tại cảng cạn.

    Còn xét về khía cạnh vận tải, cảng cạn lại là thành phần không thể thiếu trong chuỗi vận tải đa phương thức, khi đóng vai trò không những tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho cả doanh nghiệp làm logistics lẫn khách hàng, mà đảm nhiệm luôn vai trò "quân bài chiến lược" trong quá trình logistics trường kỳ & dài lâu.

    3, Thực trạng của ICD trong hoạt động logistics tại Việt Nam
    Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống cảng biển. Song hiệu quả lại chưa cao khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, một phần do ngành logistics chưa có chiến lược phát triển hợp lý.
    “Một điểm chung của hệ thống ICD trên cả nước là việc trang bị các thiết bị xếp dỡ chuyên dụng các ICD chưa đáp ứng nhu cầu cộng với việc bố trí, sắp xếp hàng hóa trong kho bãi chưa thật sự tốt, khoa học dẫn đến các tác nghiệp hàng hóa vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc giải phóng hàng hóa nhanh chóng”
    Tiềm năng phát triển hệ thống cảng cạn tại Việt Nam là khả quan. Khu vực miền Bắc hiện có 5 cảng ICD trọng điểm là ICD Mỹ Đình (Hà Nội), ICD Lào Cai, ICD Hải Dương, ICD Tiên Sơn (Bắc Ninh), ICD Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ). Điểm hạn chế của các ICD miền Bắc đó là phần lớn chỉ kết nối duy nhất với đường bộ mà chưa có các kết nối với đường biển và đường sông. Chính vì lý do đó mà phạm vi hoạt động của các ICD này cũng có một số hạn chế, chủ yếu cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê kho bãi là chính.

    Cảng ICD Lào Cai - mô hình cảng cạn đang hoạt động hiệu quả do Công ty Cổ phần Vinalines Logistics làm chủ đầu tư.

    Trên thực tế, các ICD miền Nam được coi là đang phát huy hiệu quả nhất so với cả nước. Do khối lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực này chiếm đến 80% lượng hàng hóa của cả nước và với lợi thế nối liền với cảng biển cả bằng hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ nên đã phát huy được vai trò trong việc làm điểm trung chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cảng biển. Hiện khu vực này có các cảng cạn đang hoạt động tiêu biểu là ICD Phước Long, Transimex, Tân Tạo (TP. HCM), ICD Sóng Thần (Bình Dương), và ICD Biên Hòa (Đồng Nai)

    Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, hệ thống cảng cạn phía Nam sẽ được quy hoạch từ 60 ha lên 127 ha vào năm 2010 và 175 ha vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư là từ 750-1.000 tỉ đồng từ 2010-2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn trên cả nước từ cuối năm 2011. Theo đó, đến năm 2020, sẽ có hệ thống ICD đạt công suất khoảng 6 triệu TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt 1,2 triệu TEU/năm, miền Trung đạt 600 nghìn TEU/năm và miền Nam đạt 4,2 triệu TEU/năm. Đến năm 2030, xây dựng hệ thống ICD đạt công suất 14,2 triệu TEU/năm, tương ứng ở 3 miền là 3,5; 1,9 và 8,8 triệu TEU/năm.

    Với sự hỗ trợ từ chính phủ và sự đầu tư về tầm nhìn, chiến lược liên kết của các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, chúng ta có quyền hy vọng bức tranh logistics Việt Nam sẽ trở nên tươi sáng, hiên ngang và sẵn sàng cạnh tranh với các công ty Logistics của nước ngoài đang ồ ạt xâm nhập thị trường mới mẻ đầy tiềm năng này.