Báo cáo khảo sát thị trường 3PL toàn cầu: khoảng trống lớn trong năng lực CNTT



  • Trong bài viết này, xin lược trích một số kết quả nổi bật được đưa ra trong báo cáo “2016 Third-party Logistics study”, một nghiên cứu hàng năm được đăng trên trang supplychain247. Bài nghiên cứu dựa trên khảo sát 267 công ty bao gồm những công ty sử dụng và không sử dụng dịch vụ 3PL và công ty 3PL/4PL, gần 89% trong số đó ở các lĩnh vực tiêu biểu nhất của nền kinh tế như sản xuất, bản lẻ, dược phẩm, thực phẩm nước uống, truyền thông-điện tử-internet, ô tô, năng lượng, xây dựng, logistics, còn lại 11% là các công ty ở lĩnh vực khác. Đồng thời nội dung bài nghiên cứu cũng là kết quả các webminars, webcasts, conference và đúc kết từ các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành như Supply Chain Management Review, Logistics Management, Inbound Logistics, Logistics Quarterly, Industry Week, Supply Chain Quarterly và Supply Chain Digest.

    Bài nghiên cứu xoay quanh các chủ đề sau:

    Đánh giá tình hình thị trường outsource logistics – dịch vụ 3PL hiện nay
    Mối quan hệ nào giữa khách hàng và nhà cung cấp 3PL là phù hợp?
    Môi trường cạnh tranh giữa các công ty 3PL hiện nay ra sao?
    Những đánh giá mang tính chiến lược cho tương lai của dịch vụ 3PL
    Đánh giá tình hình thị trường dịch vụ 3PL

    Sử dụng dịch vụ 3PL phản ánh xu hướng chung của nên kinh tế. Mặc dù điều kiện kinh tế ở mỗi quốc gia và mỗi vùng trên thế giới hoàn toàn khác nhau nhưng ít nhất cũng đã có những cải thiện rõ rệt ở một số lĩnh vực của nền kinh tế nói chung. Theo đánh giá của Armstrong & Associates, tổng doanh thu toàn cầu của hoạt động 3PL đã tăng trưởng liên tục 9.9% từ năm 2011 đến 2012, 2.7% từ năm 2012 đến 2013 và 6.5% từ 2013 đến 2014.

    Các công ty chi tiêu ngày càng nhiều hơn cho dịch vụ outsource logistics trong tổng chi tiêu cho hoạt động logistics và dịch vụ 3PL mà họ sử dụng. Trong bài báo cáo, có 73% doanh nghiệp (shippers) trả lời rằng họ đang tăng cường sử dụng dịch vụ outsource logistics. Đồng thời các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ 3PL cũng cho thấy trung bình 50% tổng chi tiêu cho logistics được sử dụng cho hoạt động thuê ngoài (outsource) so với năm ngoái con số này là 36%. Sự gia tăng này góp phần giải thích điều kiện kinh tế được cải thiện đã ảnh hưởng như thế nào lên chi tiêu cho hoạt động 3PL của doanh nghiệp trong tổng chi tiêu cho hoạt động logistics.

    Phù hợp với các kết quả nghiên cứu gần đây, những hoạt động mang tính chất giao dịch, vận hành, lặp đi lặp lại thường được thuê ngoài nhiều nhất, trong khi các hoạt động mang tính chiến lược, đòi hỏi nhiều IT và tương tác với khách hàng nhiều thường được thuê ngoài với mức độ ít hơn. Chính vì vậy, khả năng cung cấp hoặc quản lý việc cung cấp các dịch vụ dựa vào IT (IT-based services) nhanh chóng trở thành năng lực cạnh tranh cốt lỏi của bất kỳ nhà cung cấp 3PL nào. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh này đang ở mức độ nào là vấn đề mà báo cáo đã nghiên cứu trong suốt 14 năm qua, gọi là “IT Gap” (khoảng cách CNTT). “IT Gap” được định nghĩa là sự chênh lệch giữa % số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ 3PL cho rằng năng lực IT là nhân tố cần có của một nhà cung cấp 3PL chuyên nghiệp (trong nghiên cứu hiện tại con số này là 93%) và % cũng những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ 3PL này cho rằng họ hài lòng với năng lực IT của nhà cung cấp 3PL (59%). Chi tiết được minh họa ở biểu đồ sau.

    IT-Gap

    Báo cáo nêu lên vấn đề xác định vị trí của “IT Gap” trong tương lai và các công ty 3PL cần phải tôi luyện và mở rộng hơn nữa năng lực cạnh tranh của mình. Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong tương lai, khách hàng sẽ ngày càng nâng cao khả năng của họ để quản lý có hiệu quả mối quan hệ và sự tương tác với nhà cung cấp dịch vụ 3PL và để đạt được mục tiêu của họ trong chuỗi cung ứng. .

    Liên kết giữa khách hàng và nhà cung cấp 3PL

    Mối quan hệ giữa 3PLs, khách hàng (shippers) và nhà cung cấp dịch vụ là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng tích hợp (Integrated Supply Chain). Nhìn chung, mối quan hệ 3PL-khách hàng có thể được phân thành đối tác chiến thuật (Tactical/Operational Partner), Đối tác chiến lược (Strategic Partner) và Đối tác dịch vụ (Service Partner) – kết hợp giữa 2 loại trên. Hầu hết các công ty đều trả lời rằng họ có kế hoạch hoàn chỉnh trong việc quản lý mối quan hệ 3PL. Có thể tóm tắt ngắn gọn trong biểu đồ dưới đây.

    Sau đây là tóm lược đặc điểm của từng loại mô hình quan hệ 3PL-khách hàng.

    Quá trình triển khai một mối quan hệ 3PL-khách hàng bao gồm nhiều bước chính. Đó là: vạch ra quy trình rõ ràng, cuộc họp với ban quản trị cấp cao, lập kế hoạch quản lý chính thức, chuẩn bị năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, soạn thảo cam kết giữa hai bên, hiểu rõ vai trò và mối quan hệ với nhà cung cấp dịch vụ dựa trên tài sản của mình (asset-based service providers).

    Mặc dù có nhiều nhân tố dẫn đến sự thành công trong việc xây dựng mối quan hệ 3PL-khách hàng, nguyên tắc chính để tối đa hóa mối quan hệ đó là: kiểm soát vận hành chuỗi cung ứng, giảm rủi ro, xem xét lại hoạt động kinh doanh và không ngừng tìm kiếm sự cải thiện.

    Sự thường xuyên giao tiếp giữa khách hàng và nhà cung cấp 3PL chính là chìa khóa góp phần cho một mô hình quan hệ thành công. Có nhiều chiến lược lâu đời và mới ra đời giúp cải thiện giao tiếp giữa khách hàng và 3PLs. Trong đó phải kể đến chiến lược giúp khách hàng tiếp cận theo thời gian thực (real-time access) đến quản lý phản hồi của 3PLs, cập nhật theo thời gian thực từ 3PLs, sử dụng e-mail và tập trung vào con người, quy trình và công nghệ.

    Báo cáo cũng chỉ ra rằng 4PLs đóng góp một phần đáng kể vào khả năng giúp tăng cường sự hợp tác giữa 3PLs, khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ có tài sản.

    Môi trường cạnh tranh giữa các công ty 3PL

    Năng lực (capacity) là mối quan ngại lớn của các khách hàng (shippers) khi sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp. Có 29% công ty được khảo sát nói rằng họ phải hợp tác với nhiều 3PLs để có thể tiếp cận nhiều nguồn lực hơn. 44% đã tăng cường mối quan hệ hợp tác để đảm bảo tuyến đường vận chuyển và giao hàng đúng thời hạn.

    Hoạt động gom hàng (consolidation) là xu hướng ngày càng tăng trong thị trường logistics phân mảnh. Khách hàng (shippers) ngày càng uyển chuyển với lô hàng và sẵn sang điều chỉnh các động thái kinh doanh cho phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển. Điều này khiến cho khách hàng không chỉ có khả năng đạt được năng lực hoạt động mong muốn mà còn với giá tốt hơn.

    Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong 3PL, được sử dụng để tăng cường sự giám sát đơn hàng, lô hàng và lưu kho; lên kế hoạch vận tải; và điều phối quản lý vận tải. Để đáp ứng nhu cầu ngày cao của khách hàng như: giao hàng trong giờ, trong ngày hoặc ngày kế tiếp, omni-channel (phân phối đa kênh) và giám sát đơn hàng kịp thời, 58% doanh nghiệp phản hồi rằng họ đang đầu tư nào phát triển năng lực mới cho mình, 40% nói rằng họ đang tận dụng nguồn lực từ những công ty ở những ngành công nghiệp khác và 15% đang tận dụng nguồn lực từ đối thủ của họ.

    Investment

    Bên cạnh đó, giải pháp quản trị chuỗi cung ứng dựa trên ứng dụng đám mây (cloud-based) bao gồm các hệ thống quản lý vận tải (transportation management system – TMS), lập kế hoạch chuỗi cung ứng (supply chain planning), quản lý nhà máy (factory management) và những ứng dụng khác đã giúp các nhà cung cấp 3PL đối phó với những thách thức và yêu cầu đổi mới từ của ngành và cải thiện hoạt động nội bộ.

    Những đánh giá mang tính chiến lược cho tương lai của dịch vụ 3PL

    Bài báo cáo kết thúc bằng việc phân tích tình hình nguồn nhân lực trong ngành và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng lao động có tư duy đổi mới và nhanh nhạy. Đồng thời đưa ra những đánh giá mang tính chiến lược của ngành như xây dựng chuỗi cung ứng bền vững (Sustainable supply chain), nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường, tính an toàn và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; xây dựng ngành công nghiệp, hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp để hấp dẫn nguồn nhân lực gia nhập ngành.