Chuỗi cung ứng xanh - giải pháp kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường



  • Trong tình hình nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch sang kinh tế xanh, việc phát triển chuỗi cung ứng xanh (GSC) được xem là hướng tiếp cận mới cho nhiều doanh nghiệp (DN) để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như vị thế cho mỗi thương hiệu.

    GSC và lợi ích khi thực hiện GSC

    Chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các DN tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, thể hiện sự dịch chuyển nguyên vật liệu xuyên suốt quá trình từ nhà cung cấp ban đầu đến khách hàng cuối cùng. Chuỗi cung ứng không chỉ bao gồm nhà sản xuất và nhà cung cấp, mà còn các công ty vận tải, nhà kho, nhà bán lẻ và khách hàng.

    Kể từ đầu những năm 1990, các nhà sản xuất đã phải đối mặt với áp lực giải quyết vấn đề quản lý môi trường trong dây truyền cung ứng của họ. Khi đưa thêm yếu tố “xanh” vào, khái niệm GSC được định nghĩa là một phương thức nhằm tối thiểu hóa tác động môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm tất cả các giai đoạn trong vòng đời của một sản phẩm từ tìm kiếm nguyên liệu, thiết kế, sản xuất và phân phối cho đến khi sản phẩm tới người tiêu dùng cuối cùng và cách thức họ sử dụng sản phẩm đó.

    Quản lý GSC là sự kết hợp yếu tố môi trường vào quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm thiết kế sản phẩm, tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng và quản lý cuối đời sản phẩm sau khi sử dụng nó. Quản lý GSC liên quan đến thực tiễn quản lý chuỗi cung ứng truyền thống tích hợp các tiêu chuẩn môi trường hoặc mối quan tâm vào các quyết định mua sắm có tổ chức và những mối quan hệ dài hạn với các nhà cung ứng. Quản lý GSC gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics đầu vào và đầu ra xanh, quản lý chất thải, sản xuất xanh...

    Hiện nay, GSC và quản lý GSC được xem là một cơ chế hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường trong chuỗi giá trị toàn cầu, giúp giảm ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

    Trước những thách thức toàn cầu về an ninh năng lượng, khan hiếm nước, biến đổi khí hậu, trong quá trình thực hiện GSC, các DN vừa phải tuân thủ tất cả những quy định, chế tài liên quan đến môi trường, an toàn vệ sinh của quốc gia, khu vực và toàn cầu, đồng thời cũng phải chủ động đưa ra các tiêu chuẩn cho nhà cung cấp. Các quy định, tiêu chuẩn đó cần được quan tâm thực hiện cả trong phạm vi nội bộ công ty cũng như các đối tác.

    Năm 2015, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ - WalMart yêu cầu các nhà cung cấp phải báo cáo việc sử dụng 10 hóa chất độc hại trong các sản phẩm của mình; Công ty máy tính HP đề nghị các nhà cung cấp giảm 20% khí thải các-bon liên quan đến hoạt động sản xuất và vận tải; Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) áp dụng chính sách “thu mua xanh” trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Tập đoàn, bao gồm các đối tác kinh doanh. Không chỉ gói gọn trong các quy định về môi trường, nhiều DN còn hợp tác với các nhà cung cấp thiết kế sản phẩm xanh, xây dựng chiến lược kinh doanh để nhà cung cấp thấy được trách nhiệm của họ đối với môi trường và xã hội, đồng thời từ đó hình thành mối quan hệ bền vững giữa hai bên.

    Thực tiễn cho thấy, giải pháp GSC có thể mang lại những lợi ích như: Bảo vệ sức khỏe con người, BVMT, nâng cao năng suất, thúc đẩy sáng tạo, kích thích tăng trưởng, tăng doanh thu cho DN, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với những lợi ích đó, các công ty đều xem GSC như một công cụ phân tích chiến lược và mỗi tác nhân trong chuỗi cung ứng đều cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nỗ lực của tất cả các thành viên khi theo đuổi chiến lược GSC chính là cam kết của họ về BVMT và phát triển bền vững. DN nào coi trọng điều đó sẽ mang đến cho họ lợi thế cạnh tranh lớn, tăng hiệu quả sản xuất và kỹ năng quản lý, đồng thời có sự gắn bó lâu dài của nhân viên. Tuy nhiên, để thực hiện được GSC cũng có một số khó khăn như gia tăng chi phí tài chính, thời gian hoàn vốn kéo dài, khó đánh giá chính xác năng lực của nhà cung cấp và khách hàng...

    Tập đoàn IKEA luôn chú trọng đến vấn đề BVMT trong khi áp dụng GSC

    Mô hình chuẩn về GCS và ví dụ điển hình trong việc xây dựng GSC hiệu quả

    Theo Hội đồng Chuỗi cung ứng Toàn cầu (SCC) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các phương pháp và công cụ chuẩn để giúp các công ty xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng, mô hình chuẩn về chuỗi cung ứng (SCOR) là một mô hình chuỗi cung ứng khép kín, có sự liên kết chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm thông qua việc trao đổi thông tin thường xuyên giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng ở tất cả các công đoạn: Lập kế hoạch; Khai thác nguồn nguyên vật liệu để sản xuất; Chế tạo sản phẩm; Phân phối sản phẩm; Thu hồi sản phẩm; Thu hồi nguồn nguyên vật liệu đã được tái chế.

    Xuất phát từ mô hình trên, SCC đã xây dựng nên mô hình mới gọi là GreenSCOR Model. Mô hình này bổ sung những hoạt động quản lý môi trường, nói cách khác đây là những hoạt động xanh hóa chuỗi cung ứng. Cụ thể, trong khâu lập kế hoạch, DN cần bắt đầu từ việc thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, tính toán chi phí môi trường, phân tích vòng đời môi trường. Đến giai đoạn tìm nguồn nguyên liệu, DN cần xác định nguồn nguyên liệu, kiểm tra thông tin, thu mua nguyên liệu sạch và thông qua một bên thứ 3 để thực hiện kiểm toán môi trường đối với nhà cung cấp. Trong giai đoạn sản xuất, chế tạo sản phẩm, DN sẽ thực hiện các giải pháp xử lý môi trường, cung cấp công cụ quản lý môi trường thích hợp cho nhà cung cấp, kiểm soát tác động của họ lên môi trường. Với giai đoạn phân phối sản phẩm, phải lựa chọn các đơn vị phát triển vận tải xanh, sử dụng phương tiện phát thải ít các-bon, tiêu thụ ít nhiên liệu. Trong giai đoạn thu hồi sản phẩm sau bán hàng để tái sản xuất, đảm bảo xử lý an toàn các chất độc hại, tái sản xuất phế liệu, phế phẩm đã qua sử dụng, hợp tác với các nhà tái sản xuất để phát triển quy trình tái sản xuất.

    Với mô hình chuẩn này, những năm qua, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã thiết lập được một mạng lưới GSC hiệu quả, bền vững, mang lại lợi ích cho chính họ và các công ty tham gia trong chuỗi cung ứng. Trong số đó có Tập đoàn IKEA của Thụy Điển, là DN tiêu thụ gỗ lớn thứ 3 trên thế giới. Được thành lập từ năm 1943, đến nay, IKEA đã có mặt tại 31 quốc gia, với 76.000 nhân viên, doanh thu hàng năm đạt trên 12 tỷ Euro.

    Triết lý kinh doanh của IKEA là “nhà cung cấp và khách hàng là bạn”. Xuất phát từ quan điểm đó, IKEA đã phát triển mạng lưới gồm 1.800 nhà cung cấp tại 55 nước và thiết lập một chương trình GSC thành công, dựa trên một quan hệ có tính chất đối tác, bạn bè với khách hàng. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng rất chú trọng đến các giải pháp BVMT và từ chối sử dụng những sản phẩm có hóa chất độc hại, các loại gỗ khai thác từ rừng nhiệt đới bị xâm hại. Tập đoàn đưa ra các yêu cầu cho nhà cung cấp về chất lượng, dịch vụ và trách nhiệm với môi trường, xã hội, cùng họ giải quyết các vấn đề trên.

    Năm 2000, IKEA công bố Bộ Tiêu chuẩn về môi trường - xã hội (gọi là IWAY) cho toàn bộ nhà cung cấp của Tập đoàn trên thế giới và yêu cầu họ thực hiện. Bộ Tiêu chuẩn IWAY gồm 19 nội dung, chia thành 90 vấn đề cụ thể và được điều chỉnh 2 năm/lần, nhằm phản ánh chính xác những thay đổi về môi trường, xã hội trên toàn cầu. Bên cạnh đó, IKEA còn thành lập Hội đồng IWAY, với trách nhiệm giải quyết các vấn đề mang tính nguyên tắc của Bộ Tiêu chuẩn. Trong quá trình kinh doanh, Tập đoàn luôn cố gắng phối hợp, chia sẻ và liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp để thực hiện thành công Bộ Tiêu chuẩn IWAY. Ở phạm vi toàn cầu, Tập đoàn đã thành lập bộ phận tuân thủ và giám sát nhằm đảm bảo quản lý và chuẩn hóa Bộ Tiêu chuẩn IWAY, qua đó đánh giá sự tuân thủ của nhà cung cấp. Hầu hết nhân viên trong Tập đoàn, hay các công ty trong chuỗi cung ứng đều được trang bị đầy đủ kiến thức liên quan đến môi trường, xã hội và Bộ Tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các kiến thức này được cung cấp thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn do IKEA tổ chức. Với cách tiếp cận này, IKEA mong muốn, các đối tác chiến lược đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời giúp họ hình thành được một chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường hơn.

    Chìa khóa thành công trong kinh doanh của Tập đoàn IKEA chính là vận dụng linh hoạt GSC, biến mối quan hệ giữa nhà cung cấp và khách hàng thành những người bạn, cùng nhau tạo nên giá trị và đem lại lợi ích cho cả hai bên.

    Nguyễn Bình Minh

    Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
    http://vlhl.vn/


Hãy đăng nhập để trả lời