Đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam (Kỳ II)



  • Ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn còn khá mới, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này đều là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động đơn lẻ. Trong bối cảnh hiện nay, áp lực cạnh tranh rất lớn từ việc hội nhập quốc tế, sự lớn mạnh không ngừng của thị trường cũng như đòi hỏi ngày càng tăng từ phía khách hàng đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam trong việc khẳng định vị trí, nâng cao khả năng cạnh tranh để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

    Đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt nam

    Điểm mạnh

    Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2009, Việt Nam có chỉ số LPI (Logistics Performance Index) ở mức trung bình, xếp hạng 53/155 nền kinh tế, tuy nhiên là quốc gia đứng đầu các nước có thu nhập thấp và được coi là nước có triển vọng về hoạt động logistics.

    Số doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong ngành logistics tại Việt Nam khá lớn và gồm nhiều thành phần. Cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp (vượt cả Thái Lan, Singapore), trong đó các công ty logistics đa quốc gia hàng đầu trên thế giới (Top 25 hoặc 30) đã có mặt tại Việt Nam; các công ty nước ngoài hoạt động đa dạng, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ 3PL (Third Party Logistics) với trình độ công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp như tại các nước phát triển.

    Điểm yếu

    Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng nên chỉ gia công lại cho các công ty 3PL, 4PL (Fourth Party Logistics) nước ngoài.

    Do hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, chiếm 25% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm 30-40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác), điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

    Tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu (80% doanh nghiệp thành lập có vốn điều lệ dưới 1,5 tỷ đồng), nhân sự, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin, tính liên kết còn rất hạn chế.

    Cơ hội

    Quy mô thị trường dịch vụ logistics Việt Nam tuy nhỏ (khoảng 2-4% GDP), nhưng tốc độ tăng trưởng cao (20-25%/năm). Kim ngạch xuất nhập khẩu và ngành bán lẻ của Việt Nam (đây cũng là ngành tiềm năng) có mức tăng trưởng khá cao. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển năm 2020 dự kiến tăng 900-1.100 triệu tấn, năm 2030 dự kiến tăng 1.600-2.100 triệu tấn1.

    Nhà nước đã có quy hoạch và trên thực tế bằng nhiều nguồn vốn đang và sẽ đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng như: khu cảng nước sâu Cái Mép, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Sân bay quốc tế Long Thành, hành lang đường bộ Đông Tây (EWEC), hành lang Hà Nội - Hải Phòng - Hà Khẩu - Côn Minh, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt xuyên Á,…

    Các thể chế tiếp tục củng cố, tạo thuận lợi như thủ tục hải quan, cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu.

    Thách thức

    Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, không đồng bộ, đặc biệt chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn.

    Hệ thống thông tin thiết yếu chưa hiệu quả.

    Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên gia logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp.

    Thể chế, chính sách với ngành logistics chưa rõ ràng, không đồng bộ, bất cập, chưa tạo điều kiện hỗ trợ ngành logistics còn non trẻ phát triển.

    Chi phí kinh doanh không chính thức cao.

    Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

    Kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

    Nhóm giải pháp vĩ mô

    Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế chính sách cho hoạt động logistics

    Theo khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), 30% giá logistics phụ thuộc vào các luật lệ và quy định về vận tải, thông quan hàng hóa, 30-40% giá logistics phụ thuộc vào mức độ trì hoãn về thủ tục hành chính,... Ngoài ra, sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, khung khổ pháp lý cũng như phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giữa các nước và trình độ phát triển giữa các nước trong khu vực cũng là thách thức đối với ngành dịch vụ logistics.

    Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động logistics mới chỉ được công nhận là một hành vi thương mại trong Luật Thương mại sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, sau đó là Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 và một số văn bản có liên quan. Do lĩnh vực này còn khá mới mẻ nên theo nhiều chuyên gia trong ngành thì các văn bản vẫn còn sơ sài, chưa tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh đối với một lĩnh vực có triển vọng mang lại lợi nhuận khổng lồ như logistics.

    Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho hoạt động logistics. Một hành lang pháp lý bao gồm các quy định pháp luật cụ thể và rõ ràng, trong đó phân định rõ lĩnh vực quản lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh sự chồng chéo, không rõ ràng gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh cũng như cho sự phát triển của ngành dịch vụ tiềm năng này. Để làm được điều đó, cần có sự hợp tác, cùng bàn bạc và ủng hộ của các Bộ, ngành có liên quan.

    Các cơ chế, chính sách về lĩnh vực logistics cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung và hoàn thiện. Để làm tốt việc này nên tiến hành nghiên cứu kỹ và rút kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và trên thế giới (đặc biệt là Singapore và Trung Quốc). Việc tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế nước ngoài, nhà nước, tư nhân thông qua các chính sách hỗ trợ về vốn và đất đai hạ tầng sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

    Bên cạnh đó, cần đầu tư, đổi mới và hiện đại hóa hoạt động của hệ thống hải quan, vì đây đang là một trong những điểm yếu lớn của hệ thống logistics Việt Nam. Việc cải cách thủ tục hải quan được xem là khâu đột phá nhằm tạo thuận lợi hơn cho môi trường cạnh tranh hoạt động thương mại và ngành dịch vụ logistics. Quá trình giải quyết thủ tục hải quan một cách nhanh chóng sẽ giảm thời gian lưu hàng, lưu kho, lưu bãi, giảm thời gian làm thủ tục giấy tờ, từ đó sẽ giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam.

    Để làm được như vậy, hải quan Việt Nam cần thiết kế và thực hiện hệ thống hải quan một cửa bằng cách triển khai hoạt động thông quan hàng hóa điện tử, giúp trao đổi hàng hóa một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện danh mục biểu thuế hài hòa, minh bạch, thiết lập hệ thống kiểm tra sau thông quan trên toàn quốc, đặc biệt là tại cửa khẩu, sân bay, hải cảng.

    Để thực hiện một cách hiệu quả các giải pháp nêu trên, có thể thành lập nhóm đặc trách bao gồm đại diện các cơ quan liên quan hải quan. Nhiệm vụ của nhóm này là chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng phương thức hoạt động cơ chế một cửa liên thông thống nhất trên toàn quốc. Để thúc đẩy tiến độ thực hiện và hoạt động của cơ chế một cửa thì chỉ cần cho phép các doanh nghiệp nộp thông tin một lần duy nhất, xử lý dữ liệu và thông tin một lần và đồng bộ, đưa ra một quyết định duy nhất cho việc thông quan, để giải phóng hàng hóa. Đây sẽ là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao khả năng hoạt động của hệ thống hải quan, giúp đơn giản hóa thủ tục, cũng như tính hiệu quả cao của hoạt động hải quan.

    Chuẩn hóa các quy trình dịch vụ logistics, thống kê logistics

    Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, đảm bảo tính nhất quán, thông thoáng và hợp lý, cần thay đổi và tiêu chuẩn hóa các quy định về cấp phép, điều kiện kinh doanh, vận tải đa phương thức, thay đổi thói quen bán FOB mua CIF làm suy yếu các công ty vận tải Việt Nam, thống nhất hóa và tiêu chuẩn hóa tên hàng và mã hàng hóa. Các quy định hải quan về giấy phép NVOCC, đại lý khai quan, chứng từ xuất nhập khẩu phải phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực; khuyến khích sử dụng tin học trong logistics.

    Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có và có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng với quy hoạch phát triển ngành dịch vụ logistics

    Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, các quan hệ trao đổi quốc tế ngày càng phát triển với tốc độ cao, đòi hỏi ngành dịch vụ logistics phải phát triển ở trình độ cao hơn. Thực tế cho thấy, sự kém phát triển, thiếu đồng bộ và không gắn kết của cơ sở hạ tầng đang là rào cản cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

    Theo đó, việc gắn quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không, hệ thống kho tàng, bến bãi, hệ thống cảng biển với quy hoạch phát triển các ngành nói chung, ngành dịch vụ logistics nói riêng và các khu công nghiệp tùy theo địa điểm, điều kiện cũng như quy mô, phù hợp để phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng, hiệu quả là yêu cầu bắt buộc.

    Như vậy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics cần đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, khuyến khích vận tải container đường sắt, chú trọng đầu tư xây dựng cảng nước sâu trung chuyển trong khu vực. Đầu tư hợp lý cho các cảng, sân bay, cảng thông quan nội địa, đường bộ, đường sắt, đường sông, kho bãi, trang thiết bị, ngân hàng, bảo hiểm,… Tất cả hệ thống này phải được sắp xếp một cách hợp lý trong một bản đồ quy hoạch liên hoàn và theo một kế hoạch tổng thể có khả năng tương tác và hỗ trợ qua lại lẫn nhau một cách hiệu quả. Cụ thể:

    Các tuyến đường sắt liên tỉnh, liên huyện cần phải nhanh chóng nâng cấp và hiện đại hóa, đặc biệt là các tàu chở hàng chuyên dụng. Việc xây dựng thêm các kho hàng ở các trạm nghỉ đường sắt lớn để phục vụ dịch vụ logistics cũng là rất cần thiết.

    Đối với đường hàng không: cần nâng cấp các cảng hàng không quốc tế tại các vùng đầu tàu kinh tế của cả nước như cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nội Bài, đồng thời xây dựng thêm nhà ga hành khách mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển qua các cảng hàng không quốc tế.

    Đối với đường thủy, cần phải xây dựng thêm, nâng cấp và hiện đại hóa các cảng để thích nghi hơn với tàu container, trong đó có thể phục vụ các loại tàu cỡ lớn để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng ở trong nước và khu vực. Xây dựng thêm các cảng nước sâu có quy mô lớn và hiện đại, có thể tiếp nhận được các tàu biển có trọng tải lớn từ 50-100 nghìn DWT và nâng cấp các cảng lớn khác như cảng: Cái Lân, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang,…

    Xây dựng, phát triển các hệ thống cảng biển, bến cảng gắn với các vùng kinh tế, các khu công nghiệp logistics tại các cửa khẩu, sân bay và các cảng biển lớn tại các vùng miền khác nhau (phục vụ vận tải container quốc tế thông qua cảng biển container quốc tế và cảng hàng không quốc tế). Trên cơ sở đó, phát triển vận tải phải đảm bảo tính hiện đại hóa, với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới.

    Việt Nam có vị trí thuận lợi để phát triển vận tải biển và các dịch vụ cảng biển, vì vậy cần phát triển hệ thống cầu cảng.

    Nhóm giải pháp vi mô

    Để thúc đẩy sự phát triển và khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên sân nhà, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể là:

    Thứ nhất, các doanh nghiệp cần tham gia liên kết lại với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, đồng thời làm tăng sức mạnh của chính mình trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác lại để có thể đưa ra thị trường một chuỗi các dịch vụ logistics tổng thể cho khách hàng, theo đó, một công ty giao nhận có thể liên kết với một công ty về kho bãi, vận tải, môi giới, hàng không để tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ.

    Các đơn vị trong ngành cũng có thể xem xét khả năng sáp nhập và thành lập các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics theo nhóm 3-4 đơn vị để có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên tham gia vào hiệp hội doanh nghiệp logistics, đồng thời hiệp hội phải đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ các hội viên, tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn cho các hội viên tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề thuộc về ngành nghề của mình, có tiếng nói với Chính phủ, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cũng như xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành logistics Việt Nam.

    Thứ hai, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực hiện có nhằm nâng cao kỹ năng quản lý và thực hành để đảm bảo cạnh tranh thắng lợi và cung cấp dịch vụ có hàm lượng chất xám cao hơn.

    Về phía các doanh nghiệp, cần chú trọng công tác đào tạo cán bộ một cách bài bản, với các chương trình đào tạo hiện đại của nước ngoài nhằm giúp cán bộ học hỏi những kinh nghiệm tiên tiến của các nước để ứng dụng cho doanh nghiệp mình. Thực hiện đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực hiện có và thu hút lao động từ xã hội có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành liên quan, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức địa lý, ngoại thương, cập nhật thường xuyên kỹ thuật mới trong nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế. Các công ty, các doanh nghiệp nên có các chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập và thuyết trình về thực tiễn hoạt động của ngành hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Các công ty cũng nên có đóng góp vật chất cụ thể cho đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho các trường nếu muốn sử dụng sinh viên tốt nghiệp từ những trường này. Đồng thời, phải có chính sách đãi ngộ tốt và xứng đáng với các nhân viên giỏi chuyên môn, kỹ thuật.

    Về phía Hiệp hội, cần nâng cao hơn nữa vai trò trong công tác hướng dẫn và bồi dưỡng thường xuyên cán bộ, nhân viên cho các hội viên bằng cách định kỳ mời các chuyên gia giỏi của nước ngoài sang Việt Nam đào tạo, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo và tái đào tạo khởi xướng bởi Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận, Vận tải Quốc tế (FIATA) và Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận, Vận tải và Logistics Đông Nam Á (AFFA) hàng năm. Đây là chương trình rất phù hợp với ngành nghề logistics có phần tài trợ của FIATA theo đề nghị của từng quốc gia và hiệp hội của quốc gia đó. Trước mắt, các công ty, doanh nghiệp có thể thông báo cho Hiệp hội về nhu cầu đào tạo, các lĩnh vực quan tâm cũng như mời các chuyên gia kinh nghiệm đào tạo nội bộ doanh nghiệp.

    Thực hiện tốt các giải pháp có tính định hướng nói trên sẽ góp phần tăng cường xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics ở nước ta. Một nguồn nhân lực tốt, chất lượng cao sẽ là tiền đề cho sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Các giải pháp về nguồn nhân lực nói trên sẽ góp phần thúc đẩy kinh doanh giao nhận vận tải Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại để có thể vững bước trong thế kỷ XXI bằng chính nội lực của mình.

    Thứ ba, các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao trình độ công nghệ thông tin trong hoạt động logistics của mình.

    Logistics là một chuỗi các dịch vụ về giao nhận hàng hóa, là sự phát triển cao của các khâu dịch vụ giao nhận kho vận, trên cơ sở khai thác, tận dụng các ưu điểm của công nghệ thông tin để điều phối hàng hóa từ khâu chuẩn bị sản xuất tới tay người tiêu dùng. Do đó, việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong việc sản xuất, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Thúc đẩy và phát triển công nghệ thông tin, chuẩn hóa trao đổi dữ liệu điện tử trong thương mại/khai quan điện tử (EDI) để tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin nhằm mang lại năng suất lao động cao, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tình trạng tiêu cực, gian lận trong thương mại, xuất nhập khẩu và hải quan, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng và dễ dàng phát hiện ra những điểm yếu và sự chậm trễ trong toàn bộ quá trình lưu chuyển hàng hóa. Vì vậy, cùng với chiến lược phát triển logistics, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử đang được áp dụng trong hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải đa phương thức, vận tải biển, áp dụng hệ thống quản lý logistics của các nước có hệ thống logistics phát triển như Singapore, Nhật Bản, Anh,…

    Thứ tư, các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động logistics, mở rộng các dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình.

    Thứ năm, nâng cấp Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) thành Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiệp hội này cần năng động hơn trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi hội viên, đặc biệt là trong việc đào tạo, gắn kết, thông tin, điều phối, hướng dẫn các thành viên tiếp cận và xâm nhập các thị trường nước ngoài.

    Kiến nghị tạo lập môi trường và điều kiện để thực hiện

    Đối với Nhà nước và chính quyền địa phương

    Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý bình đẳng, sau khi ban hành Luật cần có những Nghị định hướng dẫn một cách cụ thể. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tài trợ, hỗ trợ, quan tâm trong việc xây dựng và hoạch định chính sách có định hướng hoặc liên quan đến ngành logistics.

    Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cần nghiên cứu thiết lập cơ chế chuyên trách để gắn kết, thống nhất quản lý dịch vụ logistics, tổ chức thực hiện những chương trình trọng điểm và phối hợp các ngành hiệu quả hơn.

    Cần chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thông thoáng và hợp lý cho những nhà đầu tư có uy tín và năng lực trong lĩnh vực logistics. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, việc chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào các vùng trọng điểm khơi luồng vận chuyển trong và ngoài nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh dịch vụ logistics.

    Cần đầu tư nghiên cứu một cách bài bản về logistics, dịch vụ logistics và phổ biến kiến thức này cho các cơ quan và cán bộ có liên quan đến lĩnh vực này, tránh tình trạng hiểu không thấu đáo sẽ vận dụng sai, không hiệu quả. Để phục vụ cho nhu cầu trước mắt, nên thành lập Nhóm công tác để nghiên cứu và triển khai dự án lập “Trung tâm logistics” tại các Vùng kinh tế trọng điểm. Nhóm nghiên cứu có thể gồm cán bộ của Bộ Giao thông vận tải, của VIFFAS, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về logistics, các chuyên viên thực tế về logistics (trong và ngoài nước). Trên cơ sở các nghiên cứu và khuyến nghị của các nhóm sẽ đề nghị Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thành lập các Trung tâm logistics trên cả nước sao cho hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương, các doanh nghiệp… để triển khai xây dựng và khai thác các Trung tâm logistics, tránh bị tụt hậu so với khu vực và thế giới.

    Tái cấu trúc logistics, khuyến khích áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần; khuyến khích việc thuê ngoài (outsourcing) logistics, điều chỉnh và bổ sung Luật, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp hoạt động logistics trong nước, gỡ bỏ các hạn chế, cản trở để các công ty nước ngoài hoạt động thuận lợi hơn; có chính sách hỗ trợ đào tạo các chuyên viên logistics; triển khai các hệ thống và ứng dụng công nghệ tiên tiến của các nước như hệ thống giao dịch không giấy tờ tại các điểm hải quan, cửa khẩu, cải cách hành chính và minh bạch trong các dịch vụ công,…

    Đối với chính quyền địa phương, cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động logistics trên địa bàn mình quản lý được hưởng những ưu đãi về đất đai, thuế, kho tàng, bến bãi một cách tốt nhất trong điều kiện hiện có của địa phương. Theo đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan giải quyết các thủ tục hải quan, chính sách thuế theo cơ chế một cửa liên thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tránh phiền hà cho các doanh nghiệp.

    Đối với các doanh nghiệp

    Các doanh nghiệp logistics cần nhận thức đầy đủ về hoạt động của mình, về pháp luật liên quan cũng như ý thức liên kết hợp tác với các doanh nghiệp khác trong ngành.

    Tích cực chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tùy theo điều kiện, quy mô của mình mà xây dựng một chiến lược phát triển cho thích hợp với từng giai đoạn cụ thể, trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt, các doanh nghiệp nên chú trọng quảng bá hình ảnh thông qua xây dựng website với các nội dung cụ thể hơn, vì website là nơi nắm bắt, công bố, trao đổi những thông tin cần thiết để các doanh nghiệp, hợp tác làm ăn với nhau.

    Chủ động và có chiến lược cụ thể về đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chính doanh nghiệp mình.

    Đối với Hiệp hội ngành hàng

    Khi đã gia nhập WTO, các chế định của Nhà nước luôn công bằng cho tất cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, chính vì vậy, vai trò của các Hiệp hội lúc này cực kỳ quan trọng. Hiện nay, mặc dù Việt Nam có nhiều hiệp hội, nhưng vai trò của các hiệp hội vẫn chưa thực sự phát huy. Hoạt động logistics chuyên nghiệp đòi hỏi phải tích hợp được việc cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, phân phối với hàng loạt các dịch vụ vận tải, giao nhận,... do đó rất cần tiếng nói chung, sự liên minh giữa các hiệp hội, các doanh nghiệp. Vì vậy, phía hiệp hội ngành hàng cần tạo mối gắn kết giữa Hiệp hội và thành viên, hỗ trợ tư vấn thiết thực và giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức trong cạnh tranh. Khuyến khích sự cộng tác giữa các thành viên trên cơ sở sử dụng lợi thế từng doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nguồn nhân lực, khả năng tài chính,…) để thực hiện dịch vụ trọn gói một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, mở rộng tầm hoạt động trong nước và quốc tế. Có chương trình đẩy mạnh quá trình liên kết, xúc tiến phát triển thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong các doanh nghiệp dịch vụ logistics.

    Hiệp hội cần làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp với Nhà nước để nắm bắt, cũng như có những đề xuất về cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, hiệp hội cần đóng vai trò như là cơ quan tham mưu, tư vấn nhằm trao đổi thông tin giữa hiệp hội với các doanh nghiệp, cũng như giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để có những định hướng, điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh.

    ThS. NGUYỄN HOÀNG HẢI - Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư