Logistics- ngành học đang thu hút giới trẻ



  • Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (hậu cần) là một ngành học còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các loại hình giao dịch trực tuyến đã biến logistics thành nghề khá hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh.
    Để hiểu hơn về ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư Mathews Nkhoma- Trưởng khoa Thương mại và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, về những thông tin liên quan đến ngành.
    PV: Thưa Phó giáo sư, ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng gì cho người học?

    PGS Mathews Nkhoma : Chương trình Cử nhân Kinh doanh (Quản lý chuỗi cung ứng và logistics) hiện giảng dạy tại RMIT Việt Nam là chương trình do Đại học RMIT Úc thiết kế và biên soạn. Chương trình chú trọng đào tạo ra những cá nhân có tư duy sáng tạo và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, là những nhân lực thông thạo quản lý chuỗi cung ứng và logistics, đáp ứng được yêu cầu của các công ty trong và ngoài nước trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu, đồng thời đương đầu được với những thách thức sắp tới ở thế kỉ 21.

    PV: Điều kiện để sinh viên có thể theo học ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại RMIT Việt Nam cũng như phương pháp giảng dạy của trường là gì thưa ông?

    PGS Mathews Nkhoma : Để có thể nộp đơn nhập học, học sinh cần tốt nghiệp THPT với điểm trung bình lớp 12 đạt 7.0/10.0, hoặc hoàn thành chương trình UniSTART dành cho sinh viên theo học các ngành kinh doanh của trường với điểm trung bình từ 1.0/4.0. Nếu sinh viên đã tốt nghiệp hoặc hoàn thành một phần chương trình cao đẳng, đại học tại các cơ sở giáo dục khác, có thể được xét miễn giảm tín chỉ. Về tiếng Anh, các bạn cần đạt chứng chỉ IELTS (Học thuật) 6.5 trở lên (không kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc các chứng chỉ tương đương.

    Tại RMIT Việt Nam, ngoài giờ học trực tiếp trên lớp, giờ hướng dẫn, học nhóm, cũng như các buổi thông tin và hội thảo chuyên đề, sinh viên sẽ liên tục được đánh giá qua các bài luận, báo cáo, bài thuyết trình, dự án làm việc nhóm, dự án nghiên cứu, dự án thực nghiệm, các bài tập thực hành, và thi cuối kỳ. Điểm nổi bật của chương trình là các bạn sẽ được tiếp xúc với đối tác trong ngành ngay thời gian ngồi trên ghế nhà trường qua chương trình cố vấn, gặp gỡ diễn giả khách mời và chương trình thực tập.

    Khoa đã xây dựng được mạng lưới đối tác rộng lớn gồm những tên tuổi lớn trong ngành như Acumatica, Bel, Coats, Colgate-Palmolive, Damco, Datalogic, Decathlon, DKSH, DHL, Geodis Wilson, Lazada, L’Oreal, Linfox, Marriott Renaissance, Metro C&C, Nestle, Perfetti Van Melle, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Giày Thái Bình, và Unilever.

    PV: Được dự báo là ngành có tốc độ phát triển nhanh tại Việt Nam, ông vui lòng cho biết chương trình Quản lý chuỗi cung ứng và logictics tại RMIT Việt Nam gồm những môn chuyên ngành nào? và sẽ đem đến cho sinh viên cơ hội việc làm gì trong thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay tại Việt Nam?

    PGS Mathews Nkhoma: Chương trình học sẽ trang bị đầy đủ cho sinh viên hiểu biết có giá trị về những mảng kiến thức trọng yếu trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics.

    Ở năm học đầu tiên, sinh viên sẽ nâng cao hiểu biết về nền tảng kinh doanh qua các môn học như Kế toán, Kinh doanh, Marketing, Luật thương mại và Kinh tế vĩ mô. Sau đó, các em được học các môn chuyên ngành như Logistics trong giao thông và vận tải, Quản lý kho bãi và mạng lưới phân phối, Quản trị vật tư và tìm kiếm nguồn cung cấp toàn cầu, Phân tích và thiết kế chuỗi cung ứng. Đến năm cuối, các em sẽ có cơ hội học các môn tự chọn để đào sâu hiểu biết trong lĩnh vực các em đặc biệt quan tâm.

    Bên cạnh những môn học được tập trung thiết kế để đem đến cho các chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics tương lai bức tranh toàn cảnh về ngành, chương trình còn kết nối với các công ty hàng đầu từ nhiều ngành khác nhau qua chương trình thực tập cũng như các dự án trong lớp học.

    Tiềm năng phát triển kinh tế tại Việt Nam, đặt biệt trong lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử, là rất lớn và rất cần nhân lực có trình độ trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng nên rất cần sự hiện diện của ngành này. Chi phí hậu cần, tính trên GDP là hơn 20% - cao một cách không hiệu quả, nên cần tới nguồn nhân lực trình độ tốt hơn để quản lý quy trình hậu cần trong nước. Theo báo cáo vào năm trước của Adecco, một trong những doanh nghiệp chuyên về nhân sự lớn nhất thế giới, sinh viên tốt nghiệp ngành logistics và chuỗi cung ứng nhận được mức lương khá hấp dẫn.

    Nếu bạn muốn xây dựng sự nghiệp trong một ngành đầy năng động và phát triển nhanh, Cử nhân Kinh doanh (Quản lý chuỗi cung ứng và logistics) tại RMIT Việt Nam là lựa chọn đáng cân nhắc. Doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng và trong khối ASEAN nói chung đang săn lùng chuyên gia trong lĩnh vực này. Do vậy, chương trình sẽ đem đến cho các bạn những thử thách kinh doanh hấp dẫn ở cả thị trường trong và ngoài nước.

    PV: Các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics có thể nắm giữ những vị trí nào và họ phải đối mặt với những áp lực gì thưa ông?

    PGS Mathews Nkhoma : Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics có lợi thế là làm việc được trong những mảng khác nhau của lĩnh vực hậu cần như giao thông vận tải, giao nhận/xuất nhập khẩu, quản lý kho bãi, phân tích kinh doanh, quản trị vật tư, đóng gói hàng hóa, vận đơn, phân phối, quản lý chuỗi cung ứng,…

    Nhu cầu về quản lý có chuyên môn cao về quản lý chuỗi cung ứng và logistics cũng đang tăng cao. Chuyên gia trong lĩnh vực hậu cần có khả năng đảm nhận nhiều vai trò như quản lý khách hàng, chuyên viên đề xuất hợp đồng, quản lý xuất nhập khẩu, quản ký kho vận, chuyên viên phân tích logistics (dành cho các bạn mới ra trường); hoặc giám đốc điều hành, giám đốc thu mua vật liệu, giám đốc phân phối; tổng giám đốc logistics hoặc quản lý kho vận toàn quốc (dành cho những nhân sự cấp cao).

    Tùy vào loại hình công việc, công ty và tùy từng cá nhân mà áp lực công việc sẽ khác nhau. Hầu hết công việc quản lý chuỗi cung ứng và logistics đều đòi hỏi nhân sự phải đảm đương được áp lực hoàn thành mục tiêu mà công ty và khách hàng đề ra. Bất kỳ đội ngũ nào trong ngành hậu cần đều được xây dựng dựa trên những cá nhân vì tập thể, suy nghĩ có hệ thống, hiểu được sứ mệnh của tổ chức, và luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp.

    PV: Hiện lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logictics trên thị trường lao động Việt Nam được đánh giá thế nào và sinh viên tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam có thể làm việc ở môi trường quốc tế không thưa PGS?

    PGS Mathews Nkhoma : Hàng loạt báo cáo từ chính phủ, các công ty chuyên nghiệp, các công ty hàng đầu trong nhiều ngành khác nhau đã chỉ ra cách biệt lớn giữa cơ hội nghề nghiệp dành cho chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics ở Việt Nam, với nhân lực hiện có.

    Nhu cầu về nhân tài rất lớn, nhưng thị trường lao động trong nước không có đủ ứng viên đáp ứng được từng công việc. Không ít các công ty đã phải chuyển chuyên gia nước ngoài về Việt Nam để đảm trách vị trí quản lý chuỗi cung ứng và logistics vì thiếu nhân lực.

    PV: Điều kiện cần và đủ để một sinh viên có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics?

    PGS Mathews Nkhoma : Các bạn không cần bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào để bắt đầu hành trình trở thành chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics.

    Một khi đã thấy hợp với ngành này, sẽ tốt nếu các bạn phát triển một số kỹ năng cụ thể như phân tích, tư duy hệ thống, hướng đến đồng đội, tư duy tương quan… để có thể làm việc tốt và nổi trội trong môi trường quản lý chuỗi cung ứng và logistics.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Anh Tú



  • Ngành này còn HOT không?
    Các vị trí logistics cho những công ty cửa trên, tập đoàn logistics quốc tế và hãng tàu vẫn là những việc làm HOT, cạnh tranh ...