Bài học kinh nghiệm từ thanh toán qua L/C



  • Pathenic, một hãng kinh doanh lương thực lớn ở Tây Ban Nha, đã bán một lô sản phẩm lương thực cho Carpen, một công ty của Áo. Về phần mình, Carpen đã mở tại ngân hàng của mình một thư tín dụng không huỷ ngang L/C để chuyển nhượng số tiền hàng trị giá 760.000 USD cho Pathenic qua một ngân hàng Tây Ban Nha.

    Theo thoả thuận giữa hai bên, hàng sẽ được giao thành hai chuyến, mỗi chuyến cách nhau 20 ngày muộn nhất. Tiền hàng cũng được thanh toán làm hai lần. Hàng giao theo giá C&F và Quy tắc về Thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ của ICC (bản sửa đổi năm 1974) sẽ được áp dụng.

    Có hai điều kiện được quy định cho thư tín dụng. Thứ nhất, ngân hàng Áo sẽ tiến hành thanh toán khi nhận được một bộ đầy đủ vận đơn đường biển đã xếp hàng hoàn hảo. Thứ hai, ngân hàng Tây Ban Nha sẽ phải đợi giấy phép do ngân hàng tại Áo của Carpen cấp. Giấy phép này sẽ được cấp sau khi có thông báo của Carpen rằng họ đã nhận được hàng và hàng đã được cơ quan y tế Áo tại cảng chấp nhận.

    Sau khi hàng đến Áo, ngân hàng Tây Ban Nha đã gửi bộ chứng từ của chuyến hàng cho Carpen và đã bị Carpen từ chối với lý do thời gian giữa hai chuyến giao hàng đã vượt quá 20 ngày. Ngân hàng Tây Ban Nha đã không chấp nhận điều này và thuyết phục Carpen chấp nhận điều không đúng nguyên tắc trên. Carpen chấp nhận thời gian giao hàng quá 20 ngày nhưng vẫn bảo lưu ý kiến từ chối của mình với lý do đợi sự chấp nhận lô hàng của Bộ Y tế Áo, cơ quan mà công ty Carpen nộp đơn xin kiểm tra hàng. Sau đó không lâu, Carpen thông báo rằng Carpen chính thức từ chối hàng của Pathenic vì Cơ quan Y tế Áo tại cảng đã cấp một giấy chứng nhận rằng hàng sẽ hết hạn sử dụng trong hai tháng nữa.

    Pathenic lập luận rằng giấy chứng nhận của Cơ quan y tế đã không bác bỏ hàng. Nhưng Carpen vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và lập luận rằng: lô hàng vẫn chưa được nhận bởi Carpen và điều đó được khẳng định sau đó bằng tuyên bố "theo thông lệ, hàng thực phẩm phải đủ độ tin cậy để lưu kho trong vòng 12 tháng". Carpen cho rằng hàng đã không đảm bảo chất lượng và không chấp nhận hàng

    Pathenic đã yêu cầu trong đơn kiện gửi cơ quan chức năng tuyên bố rằng Carpen đã từ chối không đúng cách bộ chứng từ và yêu cầu được thanh toán khoản tiền 38.122 USD cộng lãi suất hàng năm 13%.

    Trước hết Uỷ ban trọng tài cho rằng lý do duy nhất mà hàng chưa thuộc quyền sở hữu của Carpen, người mở thư tín dụng, là do họ đã từ chối lô hàng đó khi hàng đã đến nơi và giấy chứng nhận y tế cũng đã được cấp.

    Quyết định phải đưa ra là trong tình huống này liệu điều kiện "hàng hoá đã được nhận bởi người mở thư tín dụng" được thoả mãn hay chưa.
    Tiếp đó, Uỷ ban trọng tài định nghĩa bản chất của thư tín dụng không huỷ ngang và cách mà người ta phải hiểu nó: “Một thư tín dụng không thể huỷ ngang là một sự cam kết chắc chắn của ngân hàng mở thư tín dụng thanh toán hoặc sẽ thanh toán nếu các điều kiện của thư tín dụng được thoả mãn, nếu thư tín dụng đó dùng để thanh toán (Điều 3 Quy tắc và Thực hành thống nhất tín dụngchứng từ)”. Bản chất của thư tín dụng không huỷ ngang là người bán chắc chắn sẽ được thanh toán nếu xuất trình đúng bộ chứng từ.

    Một đặc tính cơ bản của tín dụng chứng từ là tính hình thức của nó. Các chứng từ được xuất trình chỉ có thể là đúng hoặc không đúng. Sự mập mờ ở đây không được chấp nhận.

    Một tín dụng chứng từ không được hiểu theo bất cứ 1 luật quốc gia nào mà các bên không có thoả thuận mà phải được hiểu theo các thông lệ được áp dụng cho đối tượng này trong thương mại quốc tế. Một đặc tính nữa của thư tín dụng là việc thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các bên. Chỉ cần các điều kiện trong thư tín dụng được thoả mãn và người hưởng lợi xuất trình đúng bộ chứng từ thì việc thanh toán sẽ được thực hiện.

    Carpen lập luận rằng trong trường hợp này, với việc hàng giao không được người mở thư tín dụng chấp nhận, điều kiện "hàng đã được nhận bởi người mở thư tín dụng" đã không được thoả mãn. Nhưng theo trọng tài thì việc thư tín dụng có được thanh toán hay không phụ thuộc vào thiện chí của người mở thư tín dụng (nguời mua). Việc hiểu điều kiện "hàng đã được nhận bởi người mở thưtín dụng" như vậy mâu thuẫn với mục đích của thư tín dụng chứng từ. Theo đó việc thanh toán không được phụ thuộc vào thiện ý hay ý chí chủ quan của Carpen. Ở đây, hàng của Pathenic không có bất cứ sai phạm gì theo thoả thuận giữa hai bên, mà việc hạn sử dụng của hàng hoá là do Carpen suy luận ra. Điều đó có nghĩa là thanh toán tín dụng chứng từ kiểu này hoàn toàn không an toàn cho Pathenic.

    Bởi vậy Uỷ ban trọng tài đồng ý rằng điều kiện "hàng được nhận bởi người mở thư tín dụng" cũng cần phải được hiểu ở cả nghĩa là Carpen đã có thể nhận được hàng nếu anh ta muốn (vì trên thực tế hàng đã đến nơi và người mua đã có đủ các điều kiện để nhận hàng). Như thế điều kiện này mới có ý nghĩa có thể hiểu và chấp nhận được trong thương mại quốc tế. Carpen lẽ ra đã phải cân nhắc đến điều đó khi đặt ra điều kiện.

    Như vậy rõ ràng Carpen đã sai khi từ chối việc thanh toán hoặc việc cho phép thanh toán cho Ngân hàng Tây Ban Nha. Bởi vậy, Uỷ ban trọng tài quyết định Pathenic được hưởng số tiền là 38.122 USD. Sau khi đưa ra phán quyết về khiếu nại chính, Uỷ ban trọng tài xét tiếp đến mức lãi suất hàng năm. Pathenic yêu cầu mức lãi suất là 13%/năm. Carpen không phản đối yêu cầu này vì việc thanh toán đã không được thực hiện vào ngày đã định và mức lãi suất mà Pathenic yêu cầu trong thời hạn nêu trên cũng không có gì là phi lý trong thương mại quốc tế. Vì thế, Uỷ ban trọng tài đã đồng ý với mức lãi suất nêu trên.
    Qua vụ việc giữa Pathenic và Carpen ta có thể thấy việc thanh toán bằng thư tín dụng L/C rất tiện lợi nhưng không phải không có rủi ro. Nếu doanh nghiệp không hiểu rõ và kỹ về bản chất của thư tín dụng cùng những quy định pháp lý của nó thì rất có thể doanh nghiệp sẽ mắc phải những sơ sót dẫn đến việc không nhận được thanh toán từ phía bên đối tác kinh doanh.


Hãy đăng nhập để trả lời