Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu



  • Những Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu ( ấn bản số 458 của ICC ) là kết quả lao động của các thành viên ICC Joint Working Party đại diện cho Uỷ ban thực hành quốc tế (Comissison on International Practice), Uỷ ban Công nghệ và hoạt động ngân hàng (Comissison on banking Technique and Practice) và cũng là kết quả làm việc của nhóm soạn thảo (Drafting Group)- những người đã hoàn thành văn bản này. Các Quy tắc này được soạn thảo nhằm phổ biến khắp thế giới việc sử dụng bảo lãnh theo yêu cầu (gồm bảo lãnh thư, bảo lãnh chứng thư và những đảm bảo thanh toán khác ) mà nghĩa vụ thanh toán của Người bảo lãnh hay Người phát hành bảo lãnh phát sinh khi có sự xuất trình của bất kỳ văn bản yêu cầu và bất kỳ chứng từ nào khác quy định trong thư bảo lãnh mà không đặt điều kiện phải có sự vi phạm trên thực tế của người được bảo lãnh trong giao dịc giữa Người bảo lãnh và người thụ hưởng (Giao dịch cơ sở)

    Bảo lãnh theo yêu cầu khác với tín dụng chứng từ ở chỗ nó chỉ được sử dụng một cách hợp lý khi Người được bảo lãnh có vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên Người bảo lãnh cũng như người phát hành tín dụng chứng từ không quan tâm đến việc có vi phạm xảy ra hay không mà chỉ quan tâm đến chứng từ

    Tín dụng thư dự phòng đã được điều chỉnh bởi UCP (bản sửa đổi 400 năm 1983). Tín dụng thư dự phòng c dần dần đã trở thành một công cụ tài trợ cho mọi mục đích, được sử dụng trong một phạm vi các hoạt động tài chính thương mại rộng hơn nhiều so với bảo lãnh yêu cầu và thường liên quan đến các tiến hành và quy trình thủ tục (ví dụ : xác nhận, xuất trình chứng từ cho một bên không phải là bên phát hành)- những vấn đề ít khi gặp phải trong mối quan hệ với bảo lãnh theo yêu cầu.Tín dụng thư phòng gần gũi hơn với tín dụng chứng từ. Do đó, trong khi tín dụng thư phòng về mặt kỹ thuật vẫn thuộc định nghĩa của bảo lãnh theo yêu cầu, người phát hành tín dụng thư phòng được xem như vẫn tiếp tục sử dụng UCP, vừa chi tiết vừa phù hợp hơn với những đòi hỏi cụ thể, riêng biệt của tín dụng thư phòng.

    Những Quy tắc này không áp dụng với bảo lãnh thư hoặc bảo chứng thư có điều kiện hoặc những đảm bảo bổ sung khác mà theo đó nghĩa vụ thanh toán của Người bảo lãnh nảy sinh chỉ khi có sự vi phạm trên thực tế của Người được bảo lãnh. Những công cụ như thế được sử dụng rộng rãi nhưng có tính chất khác với bảo lãnh theo yêu cầu và nằm ngoài phạm vi và mục đích của Quy tắc này.

    Những Quy tắc này được đưa vào sử dụng vì Quy tắc thống nhất về bảo lãnh hợp đồng của ICC không được công nhận rộng rãi. Quy tắc mới này phản ánh rõ hơn những quyền lợi khác nhau của các bên tham gia giao dịch bảo lãnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, vì ấn bản số 325 tiếp tục được sử dụng ở một chứng mực nào đó, hiện nay, nó vẫn còn giá trị hiệu lực với những ai thích sử dụng nó hơn là những Quy tắc này. Tương lai của ấn bản số 325 sẽ được xem xét lại dưới ánh sáng của kinh nghiệm thu được.

    Người thụ hưởng

    Người thụ hưởng muốn được đảm bảo khỏi rủi ro của việc người yêu cầu bảo lãnh không hoàn thành nghĩa vụ đối với Người thụ hưởng trong giao dịch cơ sở-giao dịch mà từ đó phát sinh bảo lãnh theo yêu cầu. Ðể làm được điều đó bảo lãnh phải cấp cho người thụ hưởng theo cách nhanh nhất một số tiền nếu như các nghĩa vụ không hoàn thành.

    Người yêu cầu bảo lãnh

    Ðể áp dụng những Quy tắc này, người yêu cầu bảo lãnh không được quy định bất kỳ điều kiện thanh toán nào khác ngoài việc xuất trình văn bản theo yêu cầu thanh toán và những chứng từ được qui định cụ thể khác. Cụ thể là, những điều kiện của bảo lãnh không được đòi hỏi ngưòi bảo lãnh phải xác định xem liệu Người thụ hưởng và Người yêu cầu bảo lãnh có hoàn thành nghĩa vụ của mình trong giao dịch cơ sở hay không- việc mà Người bảo lãnh không quan tâm đến. Lời văn trong bảo lãnh phải rõ ràng và đơn nghĩa.

    Bên ra chỉ thị phát hành

    Những Quy tắc mới này thừa nhận một thông lệ đã được áp dụng rộng rãi trong đó bên ra chỉ thị phát hành có thể gửi đến Người bảo lãnh những chỉ thị nhận được từ Người bảo lãnh hoặc thay mặt người được bảo lãnh và bảo lãnh đối ứng những chỉ thị đó.

    Nhận xét chung

    ICC mong muốn khuyến khích việc thực hành tốt bảo lãnh theo yêu cầu. Việc thực hành đó phải công bằng giữa các bên liên quan. ICC tin tưởng rằng Quy tắc này sẽ dẫn đến sự cân bằng quyền lợi,thừa nhận quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên. So với Quy tắc ICC xuất bản năm 1978, những Quy tắc này dẫn chiếu một thay đổi lớn nghiêng về quyền lợi của người thụ hưởng ở chỗ họ không bị hạn chế bởi những đòi hỏi việc xuất trình một phán quyết của toà án hoặc những chứng cứ độc lập có tính chứng từ khác kèm theo một yêu cầu thanh toán. Tuy nhiên, những bảo lãnh không đòi hỏi những chứng cứ như vậy vẫn trong phạm vi điều chỉnh của Quy tắc này. Quy tắc mới này cũng dẫn chiếu những điều khoản liên quan đến bảo lãnh đối ứng.

    Ðặc điểm của tất cả các bảo lãnh theo Quy tắc này là chúng phải được thanh toán khi xuất trình một hoặc nhiều chứng từ. Những đòi hỏi về chứng từ (được quy định cụ thể trong thư bảo lãnh yêu cầu) thay đổi trên một phạm vi rộng. Ở một đầu là bảo lãnh được thanh toán khi có một văn bản yêu cầu đơn giản, không cần thông báo phạm vi hoặc những đòi hỏi khác về chứng từ. Ở đầu kia bảo lãnh đòi hỏi xuất trình phán quyết của toà án hoặc trọng tài.

    Giữa hai thái cực là rất nhiều hình thái bảo lãnh trung gian như những bảo lãnh đòi hỏi phải thông báo vi phạm từ người thụ hưởng, có hay không có dấu hiệu và bản chất của sự vi phạm hoặc xuất trình giấy xác nhận của kỹ sư hoặc người giám định. Tất cả những hình thức đó đều thuộc phạm vi của Quy tắc mới này.

    Tuy nhiên, những quyền lợi của Người thụ hưởng phải được cân bằng với nhu cầu bảo vệ người được bảo lãnh chống lại những đòi hỏi vô lí, bất công của Người thụ hưởng đã được nêu rõ ở thư bảo lãnh. ICC cho rằng việc quy định như vậy là hợp lý và phù hợp với những nguyên tắc công lý tự nhiên và sự công bằng. Trong giao dịch buôn bán công bằng, một yêu cầu thanh toán phải được lập thành văn bản và ít nhất phải kèm theo thông báo của Người thụ hưởng rằng ở một khía cạnh nào đó, Người được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng. Ðiều 20 cũng quy định như vậy. Bên nào muốn tránh sử dụng hoặc thay đổi theo yêu cầu này được tự do làm như thế nhưng phải qua bước cố ý loại trừ hoặc sửa đổi Ðiều 20 bằng những điều khoản của thư bảo lãnh. Tuy nhiên, khi kết hợp giữa Điều 20 và các Ðiều 2(b) và 2(c), 9 và 11 cũng nói rõ rằng Người bảo lãnh không quan tâm đến sự thoả mãn quy định của các vi phạm. Chứng từ đương nhiên phải phù hợp với thư bảo lãnh sao cho nếu sự không phù hợp thể hiện rõ trên bề mặt của chứng từ, người thụ hưởng không có quyền sở hữu số tiền thanh toán. Hơn nữa, những Quy tắc này không ảnh hưởng đến những nguyên tắc và quy tắc của luật quốc gia liên quan đến sự lừa đảo hoặc lạm dụng bảo lãnh thể hiện qua yêu cầu bảo lãnh bất công.

    Giống như UCP, những Quy tắc thống nhất bảo lãnh theo yêu cầu này áp dụng khi được dẫn chiếu rõ ràng trong thư bảo lãnh và thành công hay không phụ thuộc vào việc sử dụng nó của cộng đồng thương mại quốc tế . Qua các Uỷ ban quốc gia và diễn đàn quốc tế, ICC sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giới tài chính và công nghiệp tuân thủ Quy tắc này. Ðiều đó sẽ giúp cho việc đảm bảo cho sự thống nhất thực hành những yêu cầu của loại bảo lãnh này.

    A. PHẠM VI VÀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY TẮC

    B. ÐỊNH NGHĨA VÀ CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

    C. NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM

    D. VĂN BẢN YÊU CẦU THANH TOÁN BẢO LÃNH

    E. NHỮNG ĐIỀU KHOẢN VỀ HẾT HIỆU LỰC

    A. PHẠM VI VÀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY TẮC

    Ðiều 1

    Những Quy tắc này áp dụng cho bất cứ bảo lãnh theo yêu cầu nào và những tu chỉnh của nó mà Người bảo lãnh (như là mô tả dưới đây) được chỉ thị phát hành, trong đó tuyên bố áp dụng các Quy tắc thống nhất bảo lãnh theo yêu cầu của Phòng Thương mại Quốc tế (ấn phẩm số 458) và ràng buộc tất cả các bên tham gia trừ khi có tuyên bố khác rõ ràng trong bảo lãnh hay bất cứ tu chỉnh nào của nó.

    B. ĐỊNH NGHĨA VÀ CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

    Ðiều 2

    a. Ðể phục vụ cho các mục đích của Quy tắc, này một bảo lãnh theo yêu cầu (dưới đây có tên gọi “Bảo lãnh”) nghĩa là bất cứ sự Bảo lãnh, Cam kết hoặc Ðảm bảo thanh toán nào khác dù được gọi và mô tả như thế nào, được một ngân hàng, một công ty bảo hiểm hoặc một cơ quan hay một người nào khác (dưới đây được gọi là “Người được bảo lãnh”) viết ra để thanh toán một số tiền khi xuất trình bản yêu cầu thanh toán và các chứng từ khác có thể quy định trong Bảo lãnh phù hợp với các điều khoản và điều kiện bảo lãnh đó (Ví dụ: một giấy chứng nhận của kiến trúc sư, kỹ sư, một quyết định của trọng tài), sự đảm bảo đó được đưa ra:

    i. Khi có yêu cầu hoặc theo chỉ thị và với trách nhiệm của một bên (dưới đây gọi là “Người yêu cầu bảo lãnh”); hoặc

    ii. Khi có yêu cầu hoặc theo chỉ thị và với trách nhiệm của một ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc với bất kỳ một cơ quan hoặc một người nào khác (dưới đây gọi là Bên ra chỉ thị) hành động theo chỉ thị của Người yêu cầu bảo lãnh với bên kia (dưới đây gọi là Người thụ hưởng”).

    b. Bảo lãnh về bản chất là những giao dịch riêng biệt với (các) hợp đồng hoặc điều kiện dự thầu mà những điều kiện này có thể là cơ sở của bảo lãnh và Người bảo lãnh về mọi phương diện không liên quan đến hoặc bị ràng buộc vào (các) hợp đồng như thế hoặc các điều kiện dự thầu, dù cho trong bảo lãnh có tham chiếu đến chúng. Trách nhiệm của Người bảo lãnh là thanh toán những số tiền hay số tiền đã được quy định trong Bảo lãnh khi xuất trình văn bản yêu cầu thanh toán và những chứng từ khác thể hiện trên bề mặt của chúng là hoàn toàn phù hợp với những điều kiện của Bảo lãnh.

    c. Ðể phục vụ cho các mục đích của Quy tắc “Bảo lãnh đối ứng” có nghĩa là bất kỳ bảo lãnh, cam kết hoặc đảm bảo thanh toán khác của Bên ra chỉ thị dù cho được gọi tên hoặc mô tả như thế nào, được viết ra để thanh toán tiền khi xuất trình một bản yêu cầu thanh toán và những chứng từ khác quy định trong Bảo lãnh đối ứng phù hợp với những điều khoản và điều kiện của Bảo lãnh. Các Bảo lãnh đối ứng về bản chất là những giao dịch riêng biệt với các Bảo lãnh mà chúng có liên quan đến và tách biệt với bất cứ (các) hợp đồng, các điều kiện dự thầu nào mà và các bên chỉ thị về mọi phương diện không liên quan đến hoặc không bị ràng buộc vào những Bảo lãnh như thế hoặc các hợp đồng, các điều kiện dự thầu đó dù cho trong Bão lãnh đối ứng có tham chiếu đến chúng.

    d. Những từ như: “Bằng văn bản”, “được viết ra” sẽ bao gồm các tiêu chuẩn chân thực hoặc thư trao đổi dữ liệu điện tử đã được giải mã (gọi tắt là EDI)

    Ðiều 3

    Tất cả chỉ thị phát hành các Bảo lãnh hay các tu chỉnh cùng với bản thân các bảo lãnh và các tu chỉnh đó nên rõ ràng và chính xác và tránh quá nhiều chi tiết. Theo đó, tất cả các Bảo lãnh nên quy định:

    a. Người yêu cầu bảo lãnh

    b. Người thụ hưởng

    c. Người bảo lãnh

    d. Giao dịch, cơ sở yêu cầu phát hành Bảo lãnh

    e. Số tiền tối đa có thể thanh toán và ngoại tệ có thể thanh toán

    f. Ngày hết hiệu lực và/hoặc trường hợp hết hiệu lực của Bảo lãnh

    g. Những điều kiện yêu cầu thanh toán

    h. Điều khoản giảm số tiền bảo lãnh

    Ðiều 4

    Trừ khi quy định rõ trong thư Bảo lãnh hay các tu chỉnh, Quyền của Người thụ hưởng đối với một Bảo lãnh là không thể chuyển nhượng được.

    Tuy nhiên, điều khoản này sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền của Người thụ hưởng chuyển nhượng bất cứ các khoản tiền thu được mà anh ta có thể có hoặc có thể trở thành người hưởng lợi theo bảo lãnh.

    Ðiều 5

    Tất cả Bảo lãnh và Bảo lãnh đối ứng đều không huỷ ngang trừ khi nó được quy định khác đi.

    Ðiều 6

    Một Bảo lãnh có hiệu lực kể từ ngày phát hành Bảo lãnh, trừ khi các điều kiện bảo lãnh quy định rõ ràng rằng Bảo lãnh có hiệu lực trễ hơn hoặc là phụ thuộc vào các điều kiện đã được ghi rõ trong trong Bảo lãnh và có thể được xác định bởi Người bảo lãnh trên cơ sở bất kỳ các chứng từ nào được quy định trong Bảo lãnh.

    Điều 7

    a. Nếu một Người bảo lãnh nhận được các chỉ thị phát hành Bảo lãnh và nếu các chỉ thị này được thực hiện nhưng Người bảo lãnh không thể hoàn thành các điều kiện của bảo lãnh bởi lý do luật hoặc quy chế của nước phát hành thì các chỉ thị đó sẽ không phải thực hiện nữa và Người bảo lãnh phải thông báo ngay cho Bên ra chỉ thị phát hành biết bằng phương tiện viễn thông hoặc nếu việc đó không thể làm được, thì bằng phương tiện nhanh nhất những lý do về việc không có khả năng thực hiện và yêu cầu họ đưa ra những chỉ thị thích hợp khác.

    b. Điều này sẽ không bắt buộc Người bảo lãnh phát hành một Bảo lãnh nếu Người bảo lãnh không đồng ý phát hành.

    Điều 8

    Một bảo lãnh có thể bao gồm điều khoản nói rõ về việc khấu trừ số tiền hoặc những số tiền quy định hoặc yêu cầu thanh toán hoặc có thể xác định vào một ngày hoặc những ngày quy định hoặc khi xuất trình cho Người bảo lãnh những chứng từ đã quy định trong Bảo lãnh vì mục đích này.

    C. NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM

    Ðiều 9

    Tất cả những chứng từ được quy định và được xuất trình theo một Bảo lãnh, bao gồm cả chứng từ yêu cầu thanh toán, sẽ được Người bảo lãnh kiểm tra với sự cẩn thận thích đáng để đảm bảo rằng các chứng từ có thể xuất hiện trên bề mặt là phù hợp với những điều kiện của Bảo lãnh hay không. Nếu những chứng từ đó thể hiện trên bề mặt của chúng là không phù hợp với các điều kiện của Bảo lãnh và có các mâu thuẫn lẫn nhau thì chúng sẽ bị từ chối

    Điều 10

    a. Một Người bảo lãnh sẽ có thời gian hợp lý mà trong thời gian đó anh ta phải kiểm tra bản yêu cầu thanh toán theo Bảo lãnh và phải quyết định thanh toán hay từ chối thanh toán chứng từ đó.

    b. Nếu Người bảo lãnh quyết định từ chối thanh toán bản yêu cầu thanh toán, anh ta sẽ phải thông báo ngay lập tức sự từ chối đó cho Người thụ hưởng bằng phương tiện viễn thông hoặc nếu điều này không thể thực hiện được thì bằng phương tiện hoả tốc khác . Bất cứ các chứng từ nào được xuất trình theo Bảo lãnh sẽ được giữ lại để chờ Người thụ hưởng định đoạt.

    Ðiều 11

    Những Người bảo lãnh và Các bên ra chỉ thị phát hành không có nghĩa vụ hoặc trách nhiệm về hình thức, sự hoàn bị, tính chính xác, tính chân thực, sự giả mạo hoặc hiệu lực pháp lý của bất kỳ các chứng từ nào xuất trình cho họ, không có và không chịu trách nhiệm về các tuyên bố chung hoặc riêng quy định trong các chứng từ cũng như sự thiện chí hoặc các hành vi hoặc sự thiếu sót của bất cứ người nào khác.

    Ðiều 12

    Những Người bảo lãnh và các bên ra chỉ thị không có trách nhiệm hoặc nghĩa vụ đối với những hậu quả phát sinh từ việc chậm trễ hoặc mất mát trong việc chuyển giao bất kỳ bức điện, thư, bản yêu cầu thanh toán hoặc các chứng từ nào hoặc về việc chậm trễ, cắt xén hoặc những sai sót khác phát sinh trong việc chuyển thông tin qua đường viễn thông, những Người bảo lãnh và các Bên chỉ thị không chịu trách nhiệm những lỗi về dịch thuật hoặc việc giải thích các thuật ngữ và dành quyền chuyển đi nội dung của Bảo lãnh hoặc bất cứ các nội dung nào của nó mà không cần dịch.

    Ðiều 13

    Những người bảo lãnh và Bên ra chỉ thị không chịu trách nhiệm hoặc nghĩa vụ đối với những hậu quả phát sinh từ việc gián đoạn công việc kinh doanh của họ do thiên tai, bạo động, dân biến, nổi dậy, chiến tranh hay vì bất cứ nguyên nhân nào khác vượt khỏi tầm kiểm soát của mình hoặc đình công, bế xưởng.

    Ðiều 14

    a. Những Người bảo lãnh và các Bên ra chỉ thị sử dụng các dịch vụ của một bên khác nhằm thực hiện các chỉ thị của Người yêu cầu bảo lãnh thì chi phí và rủi ro là do Người yêu cầu bảo lãnh phải gánh chịu.

    b. Những Người bảo lãnh và Bên ra chỉ thị không chịu trách nhiệm hoặc nghĩa vụ về việc chỉ thị mà họ chuyển đi không được thực hiện ngay cả khi chính họ đã giành quyền trong việc lựa chọn bên kia.

    c. Người yêu cầu Bảo lãnh sẽ phải bồi thường cho Người bảo lãnh hoặc Bên ra chỉ thị theo những nghĩa vụ và trách nhiệm mà luật lệ và tập quán nước ngoài đã quy định.

    Ðiều 15

    Những Người bảo lãnh và các Bên ra chỉ thị không được miễn trừ trách nhiệm hoặc hoặc nghĩa vụ theo những điều khoản của các điều 11, 12, và 14 nói trên vì họ hành động thiếu thận trọng và thiếu sự thiện chí.

    Ðiều 16

    Một Người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm với Người thụ hưởng chỉ theo điều khoản quy định trong Bảo lãnh và bất cứ sự tu chỉnh nào của nó và theo Quy tắc này, chỉ chịu trách nhiệm đến một số tiền không vượt quá số tiền đã ghi trong Bảo lãnh hay bất cứ các tu chỉnh nào của nó.
    D . VĂN BẢN YÊU CẦU THANH TOÁN BẢO LÃNH

    Ðiều 17

    Không phương hại gì đến các điều khoản của Điều 10, trong trường hợp nhận được văn bản yêu cầu thanh toán, Người Bảo lãnh phải thông báo ngay cho Người yêu cầu bảo lãnh hoặc nếu có thể cho Bên ra chỉ thị và trong trường hợp này Bên ra chỉ thị sẽ thông báo lại ngay cho Người được bảo lãnh.

    Ðiều 18

    Số tiền trong Bảo lãnh sẽ bị khấu trừ bằng số tiền của bất cứ lần thanh toán nào mà Người bảo lãnh đã tiến hành nhằm đáp ứng yêu cầu thanh toán tương ứng hoặc số tiền tối đa có thể thanh toán trong Bảo lãnh phải đáp ứng đủ số tiền thanh toán và hoặc khấu trừ.

    Bảo lãnh sẽ kết thúc cho dù bảo lãnh đó hay bất cứ các lần tu chỉnh nào của nó có được hoàn trả hay không.

    Ðiều 19

    Một văn bản yêu cầu thanh toán phải được lập phù hợp với những điều kiện của Bảo lãnh trước khi nó hết hiệu lực có nghĩa là vào hoặc trước ngày hết hiệu lực và trường hợp hết hiệu lực như đã được định nghĩa ở Điều 22. Cụ thể là, tất cả các chứng từ đã được quy định trong Bảo lãnh vì mục đích yêu cầu thanh toán và thông báo mà Điều 20 đòi hỏi sẽ phải xuất trình cho Người bảo lãnh trước thời hạn hết hiệu lực của nó ở nơi phát hành. Nếu không, yêu câu thanh toán sẽ bị Người bảo lãnh từ chối.

    Ðiều 20

    a. Bất cứ một yêu cầu thanh toán trong Bảo lãnh nào cũng phải được lập bằng văn bản (gồm cả các chứng từ khác có thể quy định trong Bảo lãnh) và sẽ được chứng minh bằng một bản tuyên bố trong bản thân yêu cầu thanh toán hoặc các chứng từ hoặc từng chứng từ gửi kèm với yêu cầu thanh toán và trong đó nói rõ rằng:

    i)Người yêu cầu bảo lãnh vi phạm các nghĩa vụ của họ trong (các) hợp đồng cơ sở hoặc trong trường hợp bảo lãnh dự thầu, trong các điều kiện dự thầu, và

    ii) Những mặt mà Người yêu cầu bảo lãnh vi phạm.

    b. Bất cứ một yêu cầu thanh toán nào theo Bảo lãnh đối ứng sẽ được chứng minh bằng bản tuyên bố là Người bảo lãnh đã nhận được một bản yêu cầu thanh toán Bảo lãnh phù hợp với các điều kiện bảo lãnh và với điều khoản này.

    c. Phần a của Điều này không được áp dụng ở chừng mực mà các điều kiện của Bảo lãnh đã hoàn toàn bị loại trừ. Phần b của Điều này không áp dụng ở chừng mực mà các điều kiện cuả thư Bảo lãnh đối tượng đã hoàn toàn bị loại trừ.

    d. Điều này không có gì ảnh hưởng đến việc áp dụng các Điều 2b và 2c, 9 và 11.

    Ðiều 21

    Người bảo lãnh sẽ phải chuyển giao không chậm trễ yêu cầu thanh toán của Người thụ hưởng và bất kỳ chứng từ nào có liên quan cho Người yêu cầu bảo lãnh hoặc nếu có thể cho Bên ra chỉ thị để chuyển đến Người yêu cầu bảo lãnh.

    E. NHỮNG ĐIỀU KHOẢN VỀ HẾT HIỆU LỰC

    Ðiều 22

    Việc hết hạn hiệu lực xuất trình yêu cầu thanh toán quy định trong Bảo lãnh dựa vào ngày niên lịch cụ thể (Ngày hết hiệu lực) hoặc phải dựa vào việc xuất trình các chứng từ quy định về việc hết hiệu lực cho Người bảo lãnh (Trường hợp hết hiệu lực). Nếu cả hai ngày hết hiệu lực và trường hợp hết hiệu lực đều được quy định trong Bảo lãnh thì Bảo lãnh đó sẽ kết thúc vào Ngày hết hiệu lực hay khi Trường hợp hết hiệu lực xảy ra tuỳ theo sự việc nào xảy ra trước, dù cho Bảo lãnh và bất cứ các tu chỉnh nào của nó có được hoàn trả hay không.

    Ðiều 23

    Không kể đến bất kỳ điều khoản nào về sự hết hiệu lực nói trên, một Bảo lãnh sẽ bị huỷ bỏ khi xuất trình cho Người bảo lãnh bản tuyên bố của Người thụ hưởng giải thoát khỏi trách nhiệm Bảo lãnh cho dù sau đó Bảo lãnh này hoặc bất cứ các tu chỉnh nào của nó có được hoàn trả hay không.

    Ðiều 24

    Khi một Bảo lãnh đã kết thúc vì đã được thanh toán, vì hết hạn hiệu lực, vì đã huỷ bỏ hoặc các trường hợp khác thì việc giữ lại Bảo lãnh hoặc bất cứ các tu chỉnh nào của nó sẽ không duy trì đưọc bất cứ quyền lợi nào của Người thụ hưởng bảo lãnh.

    Ðiều 25

    Khi Người bảo lãnh biết được Bảo lãnh đã kết thúc vì đã được thanh toán, vì hết hạn hiệu lực, vì đã huỷ bỏ hoặc các trường hợp khác, hoặc đã có sự khấu trừ tổng số tiền thanh toán, thì Người bảo lãnh sẽ phải thông báo không chậm chễ cho người yêu cầu bảo lãnh hoặc nếu có thể, thông báo cho Bên ra chỉ thị và trong trường hợp đó, Bên ra chỉ thị sẽ không phải thông báo như thế cho Người yêu cầu bảo lãnh.

    Ðiều 26

    Nếu Người thụ hưởng yêu cầu gia hạn hiệu lực của Bảo lãnh thay cho yêu cầu thanh toán đã xuất trình phù hợp với các điều khoản và điều kiện của Bảo lãnh và bản Quy tắc này, Người bảo lãnh sẽ phải thông báo không chậm trễ cho Bên ra chỉ thị. Người bảo lãnh sau đó sẽ ngừng việc thanh toán theo yêu cầu thanh toán đó trong một khoản thời gian hợp lý để cho phép Người yêu cầu bảo lãnh và Người thụ hưởng đạt đến một thoả thuận gia hạn hiệu lực và để Người yêu cầu bảo lãnh sắp xếp đưa ra sự ra hạn đó.

    Trừ khi sự ra hạn hiệu lực được chấp nhận trong thời gian mà phần trên đã quy định, Người bảo lãnh có nghĩa vụ phải thanh toán cho yêu cầu thanh toán đã phù hợp với Bảo lãnh của Người thụ hưởng mà không đòi hỏi một hành động gì thêm từ phía Người thụ hưởng. Người bảo lãnh sẽ không có trách nhiệm gì đối với tiền lãi hoặc các chi phí khác nếu việc thanh toán cho Người thụ hưởng bị trì hoãn do hậu quả của thủ tục kể trên.

    Thậm chí ngay cả khi Người yêu cầu bảo lãnh đồng ý hoặc yêu cầu gia hạn hiệu lực, nhưng yêu cầu này chưa được chấp nhận, trừ khi Người bảo lãnh và Bên ra chỉ thị hoặc các Bên tham gia cũng nhất trí về điều đó.

    Ðiều 27

    Trừ khi có quy định khác trong Bảo lãnh hoặc Bảo lãnh đối ứng, luật điều chỉnh sẽ là luật ở nơi mà tại đó Người bảo lãnh hoặc Bên ra chỉ thị đăng ký kinh doanh (trong trường hợp có thể) hoặc nếu Người bảo lãnh hoặc Bên ra chỉ thị có nhiều địa điểm kinh doanh thì luật điều chỉnh sẽ là luật ở nơi mà chi nhánh của họ phát hành Bảo lãnh hoặc Bảo lãnh đối ứng.

    Ðiều 28

    Trừ khi có các quy định khác trong Bảo lãnh hoặc Bảo lãnh đối ứng, bất kỳ tranh chấp nào xảy ra giữa Người bảo lãnh và Người thụ hưởng có liên quan đến Bảo lãnh hoặc giữa Bên ra chỉ thị và Người bảo lãnh liên quan đến Bảo lãnh đối ứng sẽ được giải quyết trọn vẹn bởi toà án có thẩm quyền của nước mà tại đó Người bảo lãnh hoặc Bên ra chỉ thị (trong trường hợp có thể ) có địa điểm kinh doanh. Nếu Người bảo lãnh hoặc Bên ra chỉ thị có nhiều địa điểm kinh doanh thì tranh chấp sẽ được giải quyết bởi toà án có thẩm quyền của nước mà chi nhánh của họ phát hành Bảo lãnh hoặc Bảo lãnh đối ứng.


Hãy đăng nhập để trả lời