Chìa khóa thành công trong thương mại điện tử



  • (Vietnam Logistics Review) Một trong những mô hình quản lý chuỗi cung ứng lớn và thành công nhất thế giới hiện tại có thể kể đến chính là “Hiệu ứng Amazon”. Rõ ràng, mô hình kinh doanh của nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này đã có ảnh hưởng rất lớn đến các ngành công nghiệp khác bao gồm ngành bán lẻ, sản xuất và phân phối.

    Người tiêu dùng hiện tại luôn mong đợi được nhận các dịch vụ chuyển hàng nhanh cho gần như mọi mặt hàng với mức giá miễn phí. Việc đề nghị cắt giảm bớt quyền lợi của khách hàng đối với thế giới của Amazon không hề tồn tại. Do đó, trước các thay đổi khôn lường của môi trường kinh doanh trong tương lai gần, việc trở lại con đường cũ cũng không bao giờ khả thi.

    Do đó, làm thế nào để các công ty có thể phát triển các chiến lược nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh vào thời điểm này. Nhiều công ty thành công đã và đang tận dụng những kế hoạch cải tiến được áp dụng bởi Amazon và tập trung đầu tư vào công nghệ mới. Cụ thể hơn, một Hệ thống quản lý vận tải (TMS) sẽ là bước đầu tiên để giảm chi phí, đạt được hiệu quả mong muốn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

    Tại sao các công ty cần đầu tư vào các giải pháp TMS?

    Những công ty triển khai các giải pháp TMS đang tìm kiếm những khả năng nhất định từ phương pháp này, bao gồm: Duy trì mối quan hệ với các dịch vụ vận chuyển, cải thiện việc quản lý và hiệu quả, tinh giản hoạt động, thêm khả năng và độ tin cậy cùng những chiến lược được lập sẵn dành cho chuỗi cung ứng.

    Bên cạnh đó, các giải pháp từ TMS cũng hỗ trợ trải nghiệm của khách hàng và sự thỏa mãn của khách hàng luôn là chìa khóa phát triển của bất kỳ công ty nào. Theo dự đoán, vào năm 2020 thì trải nghiệm của khách hàng sẽ quan trọng hơn cả việc chênh lệch giá cả, sản phẩm hay thương hiệu trong quyết định chọn mua của mọi người.

    Lợi ích hệ thống TMS

    Tự động hóa

    Một lợi ích quan trọng nhất từ hệ thống TMS chính là khả năng tự động hóa mọi thứ. Hãy tấn công mọi thứ được thực hiện bằng tay, kém năng suất và dần thay thế chúng bằng hệ thống tự động.

    Với giải pháp TMS, bạn sẽ có thể giảm đáng kể thời gian và nguồn lực hao tốn trong quá trình đấu thầu và xử lý thông tin đơn hàng cũ lẫn mới. Khả năng đánh giá dịch vụ vận chuyển dựa trên hiệu suất trong quá khứ có thể tạo ra khác biệt rất lớn trong các đơn hàng tương lai. Ngoài ra, việc quản lý tất cả chế độ vận chuyển thông qua một kênh quản lý duy nhất cũng rất tiết kiệm thời gian, đặc biệt đối với những công ty đang nhắm đến việc vận chuyển tận nhà.

    Tối ưu hóa khả năng theo dõi đơn hàng tại trung tâm

    TMS cung cấp khả năng theo dõi toàn bộ hệ thống và mạng lưới vận chuyển từ một trung tâm chính, giúp theo dõi và điều chỉnh tình trạng của một đơn hàng nào đó. Từ việc hiểu được những vấn đề trong hệ thống của mình, các công ty có thể điều chính cả về tỷ giá, dịch vụ và những cơ hội tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

    Với các giải pháp quản lý đội vận chuyển, các công ty cũng có thể so sánh lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ vận chuyển tư nhân so với công ty vận chuyển khác trong một số trường hợp đặc biệt. Vì nhiều ngành công nghệp và hầu hết các phương thức vận tải đều tuân thủ các quy định nhất định, một hệ thống vận chuyển sử dụng TMS cũng sẽ giúp công ty duy trì trạng thái tuân thủ các quy định này cho cả tài xế lẫn thiết bị ngay tại trung tâm điều khiển, bằng hệ thống thông báo và hỗ trợ hoàn toàn tự động.

    Khả năng phối hợp và giao tiếp

    Khi các công ty đang phải vận chuyển những đơn hàng nhỏ và thường xuyên hơn, nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu áp dụng các mô hình phân phối theo khu vực hoặc theo địa phương, theo phong cách sử dụng xe tải địa phương của Amazon. Điều này đã dẫn đến một cái nhìn hoàn toàn khác đến quản lý hàng tồn kho của nhiều công ty. Trong quá khứ, các doanh nghiệp thường hoạt động trong môi trường đơn giản, đúng thời gian và dự trữ càng ít hàng hóa càng tốt.

    Một hệ thống TMS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hàng tồn kho bằng cách xây dựng cầu nối giữa hệ thống quản lý đơn hàng và quản lý kho bãi. Điều này khó tin, nhưng TMS có thể giảm nguồn lực nhưng vẫn có thể cải thiện khả năng liên hệ giữa hai hệ thống kể trên. Khi bạn tích hợp một hệ thống quản lý vận chuyển vào tổ chức, những ảnh hưởng mang lại sẽ có tác động tùy thuộc vào quy mô của công ty.

    Từ việc lập kế hoạch cho các nhân viên kho bãi đến tối ưu hóa đường vận chuyển hàng hóa, hệ thống TMS được sử dụng đúng cách có thể đóng góp như một nền tảng mà tất cả nhân viên có thể liên hệ và làm việc cùng nhau. Bằng cách này, công ty sẽ thêm được sức mạnh trong mảng quản lý liên ngành và nhân viên sẽ luôn sẵn sàng để xác định vấn đề đang gặp phải, xử lý quy trình nhanh hơn, giảm rủi ro khi ra quyết định và tăng khả năng theo dõi trên toàn bộ mạng lưới vận chuyển.

    Tiến Khoa chuyển ngữ theo inboundlogistics.com