Những lưu ý khi ký kết các giao dịch vận tải bằng đường biển



  • Đối với hợp đồng vận chuyển container, nói chung, nội dung thường khá đơn giản. Vấn đề cơ bản mà người thuê vận chuyển cần lưu ý đó là tư cách pháp nhân của bên vận chuyển. Khi họ ký hợp đồng với tư cách là đại lý cho hãng tàu (As Agent for and on behalf of the Carrier) chủ hàng phải hiểu rằng nếu xảy ra hư hỏng, tổn thất thì người trách nhiệm sẽ là hãng tàu (Principal) chứ không phải đại lý của họ (As Agent). Người vận chuyển có thể không có trụ sở ở Việt Nam mà ở nước ngoài, vì vậy cần phải xác định rõ ràng tên, địa chỉ của hãng tàu để có thể giải quyết khi trục trặc xảy ra.

    Hiện nay một số hãng tàu hàng đầu thế giới đã được phép thành lập công ty 100% vốn của họ tại Việt Nam. Tuy vậy khi kí hợp đồng vận chuyển, những công ty 100% vốn nước ngoài như vậy cũng chỉ là “đại lý” cho hãng tàu là công ty mẹ. Do đó, nếu chủ hàng muốn đại lý giải quyết mọi trục trặc phát sinh thì trong hợp đồng lưu cước phải yêu cầu đại lý ghi rõ là người vận chuyển. Tránh ghi mập mờ như Supplier of Transport Service hay chung chung như Party A.

    Đối với hợp đồng thuê tàu theo chuyến, ngoài các điều kiện về giá cước, mức xếp dỡ thưởng phạt…điểm đáng lưu ý là các chi phí xếp dỡ hàng (Lighterage) phải quy định cụ thể và phù hợp với hợp đồng mua bán. Nếu hợp đồng mua bán ghi rõ thanh toán theo điều kiện CIF FO thì khi thuê tàu phải hiểu là người vận chuyển được miễn phí dỡ hàng chứ không thể hiểu là chủ hàng (có thể là người bán hoặc người mua) được miễn phí này. Đối với một số chi tiết đặc điểm của con tàu, nhất là trọng tải, dung tích chứa hàng, sức nâng cần cẩu. Không ít những trường hợp khi chào tàu cho thuê người vận chuyển chỉ đưa ra con số tương đối chứ không chính xác. Các trường hợp đó người vận chuyển thường thêm từ About hoặc WG (without Guarantee). Trong những trường hợp như vậy, người thuê vận chuyển cần tính toán cẩn thận. Một lưu ý nữa mà người thuê vận chuyển cũng cần lưu ý thỏa đáng đó là phải đảm bảo cảng mà tàu sẽ cập phải an toàn (Safe Port). An toàn ở đây là đảm bảo tàu có thể cập cảng, làm hàng, rời đi một cách an toàn. Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng thuê tàu cũng cần thận trọng đối với những chủ tàu chỉ có một tàu.

    Nên kiểm tra khả năng tài chính cũng như tư cách pháp lý của chủ tàu xem có nợ nần, vướng mắc gì không (Encumbrances) như trường hợp phá sản của hãng tàu Hanjin, Hàn Quốc. Nên nhớ rằng, nếu chủ hàng thuê tàu khi chủ tàu có vấn đề. Trong khi hành trình, nếu tàu bị bắt giữ thì cả người bảo hiểm cũng như chủ tàu đều được miễn trách nhiệm bồi thường tổn thất xảy ra với hàng hóa (Theo Điều 78, Khoản 2, Điểm G, Bộ luật Hàng hải. Quy tắc IV, Khoản 2, Điểm G Quy tắc Hague Visby cũng như Điều 6.2 Quy tắc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ICC-1982). Thông thường, các thông tin này có thể được tư vấn thông qua các văn phòng luật sư, ngân hàng, các công ty bảo hiểm…


Hãy đăng nhập để trả lời