Những rủi ro khi nhập khẩu hàng hoá theo điều kiện CIF



  • Rất nhiều người nghĩ rằng nhập hàng theo điều kiện CIF an toàn hơn FOB hay FCA. Họ cho rằng nhập theo điều kiện CIF thì người bán sẽ chị trách nhiệm chuyên chở hàng về tới cảng đích và mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển.

    Đúng là theo điều kiện CIF thì người bán phải book tàu, trả cước phí vận chuyển về tới cảng đích, mua bảo hiểm hàng hoá, nhưng không có nghĩa là họ chịu trách nhiệm về rủi ro hàng hoá trong quá trình vận chuyển mặc dù hàng hóa được nhập khẩu theo điều kiện CIF.

    Người bán đã hết trách nhiệm đối với hàng hoá ngay khi hàng hoá qua lan can tàu hoặc được giao cho nhà vận chuyển. Nếu trong quá trình vận chuyển, hàng hoá có bị hư hỏng, thiệt hại gì thì người mua phải tự giải quyết với nhà vận chuyển và hãng bảo hiểm. Thông thường chỉ khi nào tàu hay hàng hoá về tới cảng đích thì người mua hàng mới biết hàng hoá của mình có bị thiệt hại hay không. Đến khi đó người mua phải liên lạc với cty bảo hiểm. Nhưng công ty bảo hiểm lại ở nước của cảng đi. Rất ít công ty bảo hiểm có văn phòng hay chi nhánh ở Việt Nam. Thông thường họ có chỉ định các công ty giám định ở Việt Nam giúp họ xác định tổn thất hàng hoá. Khi liên lạc với các công ty giám định này, họ cũng không xuống cảng xác minh tình trạng lô hàng ngay, thường họ phải đợi xác nhận / chỉ định của công ty bảo hiểm đầu cảng đi. Điều này dẫn đến chậm trễ việc giải phóng hàng hoá, nếu để lâu nhiều mặt hàng có thể bị tổn thất nhiều hơn.

    Đồng thời người mua hàng cũng phải liên hệ với nhà vận chuyển để họ hỗ trợ các chứng từ liên quan và lấy xác nhận tình trạng hàng hoá khi về tới cảng đích. Giấy xác nhận này rất quan trọng để xác minh việc tổn thất hàng hoá là do đâu và ở giai đoạn nào trong quá trình vận chuyển.

    Khi có kết quả giám định thì công ty giám định phải gửi kết quả cho công ty bảo hiểm ở nước cảng đi. Sau đó công ty bảo hiểm mới xem xét đến việc bồi thường và mức miễn thường của hợp đồng bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm hàng hoá thì thông thường người bán hàng chỉ mua ở mức thấp nhất để tiết kiệm chi phí, như điều kiện B hoặc C, ít ai mua điều kiện A (all risk), nên số tiền bồi thường là rất thấp, hầu như là thấp hơn giá trị hàng thiệt hại nhiều.

    Hơn nữa việc xác minh mức độ thiệt hại, nguyên nhân thiệt hại là rất mất thời gian vì công ty giám định và công ty bảo hiểm phải gửi chứng từ qua lại, tìm hiểu nhiều yếu tố và nguyên nhân. Việc gửi tiền bồi thường cũng không hề đơn giản. Người mua hàng phải cung cấp rất nhiều chứng từ để xác nhận quyền sở hữu lô hàng, giá trị lô hàng, các chứng từ gửi tiền qua ngân hàng,… Thông thường thời gian để từ lúc hàng về tới cảng đích đến lúc nhận được tiền bồi thường từ 45 – 90 ngày. Nhiều trường hợp lâu hơn, kéo dài hơn 1 năm.

    Để khắc phục tất cả những rủi ro và thiệt hại trên, các bạn nên mua hàng theo điều kiện FOB/FCA hay tốt nhất là Ex-work. Các bạn sẽ chủ động thuê tàu, trả cước tàu và mua bảo hiểm ở Việt Nam. Các bạn có quyền lựa chọn các công ty vận chuyển, forwarder và công ty bảo hiểm uy tín.


Hãy đăng nhập để trả lời