Giám đốc chuỗi cung ứng Golden Gate gỡ rối chuyện quản trị tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm dành cho các nhà hàng



  • "Đương nhiên là bộ phận thu mua bao giờ cũng muốn là mua rồi. Còn bộ phận end-user (đầu bếp) thì họ sẽ phải khắt khe vì họ là người nấu nướng và đưa đến tay người tiêu dùng…"

    Tại một sự kiện mới đây, Giám đốc chuỗi cung ứng của Golden Gate đã chia sẻ về sự đặc biệt của thực phẩm và ảnh hưởng của nó trong quản lý chuỗi cung ứng: "Thực phẩm bao giờ cũng nhạy cảm hơn các ngành hàng khác. Nó không được đong đo bằng máy mà bằng cảm quan của con người."

    Bài toán đau đầu của Golden Gate

    Trong quá trình kiểm tra chất lượng thực phẩm nhà cung cấp mang đến, các tiêu chuẩn cảm quan (về hình thức, mùi, vị) lại thường xuyên nằm trên… giấy, không thực tế. Nguyên nhân nằm ở sự phụ thuộc của chất lượng nông sản vào thực tế thời tiết, vụ mùa. Nói nôm na, rất nhiều khi bên nhận hàng phải "du di" cho nhà cung cấp nếu chất lượng thực phẩm không đạt như tiêu chuẩn đề ra trước đó.

    Nhưng "du di" như thế nào? Tại sự kiện "Quản lý Chuỗi cung ứng: Chiến lược quốc tế & Tối ưu chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam" diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Trần Lê Hồng Vân - Giám đốc chuỗi cung ứng của hệ thống chuỗi nhà hàng Golden Gate cũng thừa nhận đây là một trong những vấn đề đau đầu của tập đoàn.

    Bà Vân cho biết: "Khi đàm phán (với nhà cung cấp thực phẩm), chỉ có bộ phận thu mua làm việc với đối tác và đại diện cho các bộ phận khác đưa ra các yêu cầu với đối tác. Nhưng khi đối tác đưa hàng tới thì cần có các bên (QA - Quality Assurance, QC - Quality Control, thu mua, thậm chí là một số phần có cả chef – đầu bếp) để thống nhất."

    Tuy nhiên, quá trình cross-check (kiểm tra chéo) này không đơn giản. Bà Vân cho hay: "Khi đưa ra tiêu chuẩn sản phẩm thì nó là trên lý thuyết, và sự nhận thức của mỗi người lại khác nhau. Người thu mua hiểu theo một kiểu, phát triển sản phẩm mới lại hiểu theo một kiểu khác, thậm chí là người nhận hàng cũng không hiểu rõ, tại vì không có sự trao đổi, thấu hiểu thường xuyên dẫn đến conflict (mâu thuẫn)."

    Tại sao lại mâu thuẫn? Đại diện Golden Gate giải thích: "Đương nhiên là bộ phận thu mua bao giờ cũng muốn là mua rồi. Còn bộ phận end-user (đầu bếp) thì họ sẽ phải khắt khe vì họ là người nấu nướng và đưa đến tay người tiêu dùng…"

    Lời giải của Golden Gate

    Vậy làm thế nào để cho các bộ phận đều hiểu và đều hướng đến mục tiêu chung của công ty, để mua những sản phẩm đúng, tốt? Tại sự kiện, đại diện của Golden Gate đã tư vấn hướng giải quyết cho vấn đề này.

    Tiêu chuẩn rõ ràng, cập nhật, đặt ra "giới hạn du di" cho nhà cung cấp

    Bà Vân nhấn mạnh rằng cần có những tiêu chuẩn hàng hóa rất rõ ràng và cập nhật với sự thay đổi của thị trường. "Nếu tiêu chuẩn cách đây 1 năm thì có khi người thu mua là người khổ nhất, phải đi mua loại hàng không có trên thị trường."

    Bà Vân nói thêm: "Nếu sản phẩm mang tính vụ mùa thì có thể chấp nhận là sản phẩm đấy không như tiêu chuẩn ngày thường, và xây dựng tiêu chuẩn trái mùa." Tức là biết được cái gap (độ chênh lệch), cái giới hạn du di đối với nhà cung cấp. Và theo Giám đốc chuỗi cung ứng của Golden Gate, không được du di theo kiểu "thế nào cũng nhận."

    Sự tương tác giữa các bộ phận

    Theo bà Vân, sự tương tác thường xuyên giữa các bộ phận với nhau là cần thiết để "cùng hiểu trên một mặt phẳng."

    "Các bộ phận phải thường xuyên trao đổi với nhau, về kiến thức, về sự hiểu biết về sản phẩm, về thông tin thị trường để cho các bộ phận hiểu được là tại thời điểm nào thì sản phẩm đấy dễ hay khó. Chứ không phải lúc nào cũng máy móc là "Cái này không đúng, tôi không nhận hàng, trả về." Vì nếu trả về, không có ai cung cấp được thì lấy hàng đâu để cung cấp cho khách hàng?"

    "Phải cân bằng", bà Vân khuyến nghị. "Với những tiêu chuẩn tôi đưa ra thì anh đáp ứng được bao nhiêu? Tức là xác suất sai là bao nhiêu phần trăm?"

    Về việc kiểm tra chéo của tất cả các bộ phận khi nhận hàng, bà Vân cho biết: "Không phải khi nào cũng phải gặp, nhưng đối với những sản phẩm quan trọng thì cần các bên QA, QC, thu mua, phát triển sản phẩm mới… để tất cả cùng hiểu, cùng ấn định tiêu chuẩn phù hợp."

    Bà Vân nhấn mạnh về vai trò của bộ phận thu mua: "Thu mua là người lead, rất hiểu về sản phẩm, rất hiểu các bộ phận mong muốn gì, anh là người đại diện cho công ty, đại diện cho các bộ phận để làm việc với đối tác. Anh không hiểu thì chef (đầu bếp) nói một kiểu, nhà cung cấp nói một kiểu, anh sẽ không hiểu là cái nào là cái đúng. Anh phải là người ở giữa để đánh giá về sản phẩm đấy."

    Ngoài ra, có một điều thú vị là ở những bộ phận làm việc với nhà cung cấp, Golden Gate thường tuyển những người có kinh nghiệm, đã cứng cỏi trong nghề. "Không phải không đào tạo được mà vì áp lực công việc của Golden Gate rất là nóng, không phải bạn nào vào Golden Gate cũng trụ được. Vì phát triển rất là nóng nên áp lực về cung ứng rất là cao, có nhiều bạn sẽ không đáp ứng được, thậm chí là nhiều bạn ở các công ty nước ngoài sang," bà Vân cho hay.

    Tiến quân vào địa hạt trà sữa, Golden Gate đang toan tính gì?
    Thảo Thảo

    Theo Trí Thức Trẻ