Sau Huawei tuyên bố làm smartphone dựa trên Blockchain đến lượt Samsung có ý định dùng công nghệ này quản lý mảng logistics tỷ USD



  • Mặc dù tác động của Blockchain lên toàn thế giới đến giờ vẫn còn hạn chế, nhưng Gartner Inc dự báo rằng đến năm 2025 các doanh nghiệp liên quan đến Blockchain sẽ tạo ra 176 tỷ USD giá trị.

    Nếu như hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới Huawei đang có kế hoạch sản xuất chiếc smartphone đầu tiên hoạt động dựa trên Blockchain thì nhà sản xuất không chỉ điện thoại mà còn cả chất bán dẫn lớn nhất thế giới - Samsung - thậm chí đang dự định áp dụng Blockchain để quản lý mạng lưới cung ứng (logistics) toàn cầu khổng lồ của mình.

    Rõ ràng, so với Huawei, đây là một kế hoạch có tính tham vọng hơn rất nhiều của Samsung khi đặt cược một mảng quan trọng, mang tính chất xương sống của cả tập đoàn, lên một thứ công nghệ mới. Ở một khía cạnh khác, người ta cũng thấy Blockchain đang ngày càng nóng lên và đón ngày càng nhiều hơn các anh tài của giới công nghệ thế giới.

    Cụ thể, Bloomberg dẫn lời của ông Song Kwang-woo, Giám đốc Blockchain tại Samsung SDS nói rằng tập đoàn này đang xem xét ứng dụng hệ thống sổ cái Blockchain để theo dõi những lô hàng toàn cầu trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm. Theo ông, công nghệ Blockchain được ứng dụng có thể giúp cắt giảm chi phí vận chuyển tới đến 20%.

    Kế hoạch cụ thể là Samsung muốn quản lý 488.000 tấn hàng hóa giao bằng đường hàng không và 1 triệu TEU đơn vị vận chuyển, theo như số liệu năm 2018, bằng công nghệ Blockchain. Các sản phẩm được vận chuyển này bao gồm có màn hình hiển thị ánh sáng hữu cơ và Galaxy S9 được sản xuất bởi Samsung Electronics.

    Theo các chuyên gia, hệ thống blockchain có thể giúp Samsung giảm thời gian chậm trễ từ lúc tung ra sản phẩm đến khi hàng được giao thực sự, cạnh tranh với các sản phẩm khác và thay đổi khẩu vị của người dùng ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc.

    Sau Huawei tuyên bố làm smartphone dựa trên Blockchain đến lượt Samsung có ý định dùng công nghệ này quản lý mảng logistics tỷ USD - Ảnh 1.
    Samsung sẽ dùng Blockchain để quản lý cung ứng hàng hóa?

    Trước đây, trong lĩnh vực vận tải, Blockchain đã được sử dụng để giúp giảm thiểu thời gian gửi và nhận giấy tờ, đồng thời giúp phối hợp tốt hơn với các cơ quan tại cảng. Sau đó, người ta đã tạo ra các ứng dụng để theo dõi việc di chuyển hàng hóa và tự động hóa giao giấy tờ - một hoạt động có thể giúp giảm 2 lần chi phí của một công ty.

    Với động thái nói trên, Samsung là một trong những nhà sản xuất lớn đầu tiên trên thế giới có cái nhìn nghiêm túc đối với việc sử dụng công nghệ sổ cái phân phối của Blockchain trong các hoạt động của mình. So với một công bố gần nhất của một nhà sản xuất điện thoại lớn khác là Huawei khi tuyến bố chế tạo smartphone dùng Blockchain, rõ ràng kế hoạch của Samsung là lớn hơn nhiều.

    Ông Song Kwang-woo nói: "Công nghệ này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp sản xuất. Blockchain là nền tảng cốt lõi cho sự biến đổi kỹ thuật số của chúng tôi.Nó cũng giúp cắt giảm chi phí và loại bỏ tình trạng tắc nghẽn, tối đa hóa hiệu quả việc cung cấp và tăng tính minh bạch, qua đó cải thiện sự tin tưởng của khách hàng.""

    Nhờ vào sự tăng trưởng đầy ấn tượng của Bitcoin, công nghệ Blockchain đang được coi là bước đột phá trong làng công nghệ thế giới. Mặc dù tác động của Blockchain lên toàn thế giới đến giờ vẫn còn hạn chế, nhưng Gartner Inc, một công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ ở Mỹ, dự báo rằng đến năm 2025 các doanh nghiệp liên quan đến Blockchain sẽ tạo ra 176 tỷ USD giá trị.

    Quảng Đức

    Theo Trí Thức Trẻ