Những câu chuyện bán hàng thú vị giúp bạn bán hàng hiệu quả



  • Bạn muốn bán một món hàng nào đó, làm thế nào để khách hàng tiếp tục mua các món hàng khác của bạn? Những câu chuyện bán hàng hay dưới đây là ví dụ điển hình giúp bạn khơi gợi nhu cầu của khách thành công và dễ dàng tăng doanh số bán hàng của mình.

    1. Câu chuyện bán hàng 1: Thành công của một quán bia
    Có một hệ thống quán bia sang trọng và nổi tiếng tại Việt Nam được triển khai cực kỳ thành công. Trai thời thượng thích thú đi ra đó ăn uống, có chân dài lượn quanh, nhạc xập xềnh êm tai, món ăn nóng hổi rất ngon và lạ, đặc biệt là cảm giác sảng khoái với những cốc bia mát lạnh.

    Vấn đề đặt ra cho quán là làm thế nào để tăng doanh số bán hàng vào các giờ khách không gọi đồ ăn, hay các bàn chỉ gọi bia mà không kêu đồ nhắm? Vì nhiều khi khách uống được vài chai là đã bỏ ly quay ra chém gió với nhau.

    Biện pháp bán hàng hiệu quả được áp dụng ở đây là, quán đã cho nhân viên đi các bàn, phát bỏng ngô rang muối miễn phí cho bàn nào không có đồ nhắm. Khách khi ăn bỏng ngô xong sẽ khát nước dữ dội và liên tục gọi bia để giải khát!

    2. Câu chuyện bán hàng thứ 2: Doanh thu khủng của McDonald’s

    McDonald’s là được coi là tiên phong trong việc triển khai cross-sale thành công khi đã tăng doanh số một năm lên hàng trăm triệu USD, chỉ từ việc huấn luyện nhân viên bán hàng nói 1 câu duy nhất“anh/chị có muốn ăn thêm khoai tây chiên không?”, và hầu như phần lớn khách hàng đều gật đầu đồng ý thêm món khoai tây chiên sau khi được gợi ý.

    –> Bài học rút ra: Đôi khi chỉ vài thay đổi nhỏ rất đơn giản cũng có thể giúp ta tăng doanh thu một cách rất không ngờ. Khi làm sales, chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu, hành vi của khách hàng và tìm ra các cách thức sáng tạo để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đó. Đừng bao giờ chấp nhận lối mòn, hãy không ngừng tìm tòi và mạnh dạn áp dụng cách thức mới, chúng ta sẽ luôn tìm ra những cơ hội mới để tăng doanh số bán hàng của mình.

    3. Câu chuyện bán hàng thứ 3: Nhân viên bán hàng
    Giới bán hàng hay truyền tai nhau câu chuyện giàu cảm hứng thế này:

    Một anh chàng từ nông thôn ra thành phố xin được làm chân bán hàng tại cửa hàng bách hoá trung tâm, nơi đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm trên đời.

    Ông chủ hỏi anh ta:

    – Anh đã có kinh nghiệm trong công việc này chưa?

    – Rồi, thưa ông. Tôi từng bán hàng ở quê – chàng trai đáp.

    – Tốt! Cậu sẽ bắt đầu thử việc vào ngày mai và tôi sẽ đến kiểm tra kết quả công việc sau khi hết giờ làm – ông chủ nói.

    Với chàng trai, ngày làm việc đầu tiên dài đằng đẵng và thật căng thẳng nhưng mãi rồi cũng tới 5h chiều. Ông chủ xuất hiện và hỏi:

    – Hôm nay cậu phục vụ được bao nhiêu khách hàng?

    – Một. – Nhân viên bán hàng mới đáp.

    – Mỗi một thôi à! – Ông chủ nổi giận – Hàng ngày, mỗi nhân viên của tôi phục vụ được 20 đến 30 khách hàng kia. Thế cậu bán được bao nhiêu tiền?

    – 150.000 đô la, thưa ông.

    – Thế quái nào mà cậu bán được nhiều như vậy? – Ông chủ ngạc nhiên.

    Chàng trai giải thích:

    – Ông khách đó vào cửa hàng và tôi bán cho ông ta một lưỡi câu nhỏ, rồi một lưỡi câu vừa và cuối cùng là một lưỡi câu cỡ đại. Tiếp đó, tôi bán cho ông ta một sợi dây câu nhỏ, một sợi vừa và một sợi lớn. Tôi hỏi xem ông ta câu cá ở đâu và vị khách đáp: “Ở bờ biển”. Tôi gợi ý ông ta nên mua một chiếc xuồng câu rồi đưa ông tới khu vực bán thuyền, thuyết phục ông mua một xuồng cao tốc dài 7 mét gắn 2 động cơ. Chiếc Wolkswagen của ông ấy không kéo nổi cái xuồng nên tôi bán cho ông một chiếc Cruiser Deluxe nữa.

    Ông chủ loạng choạng vì choáng:

    – Cậu bán tất cả những thứ đó cho một người vào mua lưỡi câu?

    – Không – Chàng trai đáp – Ông ta hỏi mua dầu gội đầu cho vợ ở đâu và tôi bảo: “Kỳ nghỉ cuối tuần của ông thế là hỏng rồi. Có lẽ là ông nên đi câu cá!”.

    –> Câu chuyện bán hàng bên trên có thể hơi phóng đại, nhưng nó là một ví dụ rất hay về nghệ thuật bán hàng phải không?

    Bán hàng – quan trọng nhất là thấu hiểu tâm lý của khách. Bởi vì sao? Mong muốn của con người là không có giới hạn, và TÚI TIỀN CỦA KHÁCH HÀNG thì GẦN TRÁI TIM HƠN KHỐI ÓC. Hãy tìm mọi cách nắm bắt, thấu hiểu tâm lý, nhu cầu của khách hàng để từ đó có thể thuyết phục họ không những mua món hàng họ cần, mà còn nhiều và nhiều hơn thế nữa.