Vai trò của logistics thương mại



  • VAI TRÒ CỦA LOGISTICS THƯƠNG MẠI

    Logistics thương mại (Trade Logistics) đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại nói riêng và cho việc phát triển kinh tế của một quốc gia nói chung. Để hiểu được tầm quan trọng của logistics thương mại, trước hết phải hiểu đầy đủ logistics thương mại là gì và vai trò, chức năng của logistics thương mại trong việc phát triển thương mại và kinh tế - xã hội của một nước trong mối liên hệ thương mại toàn cầu.

    Theo Tổ chức Hỗ trợ Thương mại và Vận tải Toàn cầu, logistics thương mại là “Sự quản lý dòng hàng hóa quốc tế, các chứng từ và thủ tục thanh toán liên quan với mục đích cắt giảm chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến logistics thông qua đơn giản hóa/hài hóa các thủ tục chứng từ”[1].

    “Logistics thương mại, việc tổ chức vận chuyển hàng hóa theo thời gian và không gian, được phát triển từ nguồn gốc quân sự từ thế kỷ 19 cho tới dây chuyền cung ứng quốc tế ngày nay”. “Là xương sống của thương mại quốc tế, logistics thương mại bao gồm việc vận chuyển hàng hóa, lưu kho hàng hóa, thủ tục biên giới, hệ thống thanh toán và nhiều chức năng khác. Các chức năng này được thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho các thương nhân tư nhân và chủ hàng, nhưng logistics cũng quan trọng đối với các chính sách công của các chính phủ quốc gia cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế”2.

    Chức năng của logistics thương mại là cung cấp các dịch vụ logistics có chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng nhằm thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước và kinh tế quốc gia phát triển. Tổ chức tốt các hoạt động logistics sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho thương mại thông qua việc thực hiện việc chuyên chở và giao nhận hàng hóa đúng lịch trình (just in time) và đúng nơi nhận hàng (right place), theo đó sẽ giảm chi phí tồn kho chủ động (inventory). Dịch vụ logistics thương mại thông qua việc kiểm soát thông tin làm giảm sự chậm trễ và chi phí của lưu thông hàng hóa trong các khâu mua hàng hóa - gửi hàng - thanh toán tiền hàng nằm trong quản lý chuỗi cung ứng là một mục tiêu của thuận lợi hóa thương mại của quốc gia và của từng doanh nghiệp.

    Hoạt động logistics thương mại gắn trực tiếp với các kết quả kinh tế quan trọng như mở rộng thương mại, đa dạng hóa hàng xuất khẩu và tăng trưởng[2]. Cứ hai năm một lần, từ 2007, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động logistics (LPI) của các quốc gia. “Minh chứng từ LPI 2007 và 2010 cho thấy, đối với các nước có cùng thu nhập đầu người, thì cảm nhận rằng nước nào có được hoạt động logistics tốt nhất sẽ có được sự gia tăng của tăng trưởng 1% về GDP và 2% về thương mại”3.

    GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS THƯƠNG MẠI

    Cắt giảm tối đa chi phí logistics thương mại (logistics costs) sẽ góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại, tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Để phát triển nhanh ngành logistics thương mại của mình, VN phải nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics thương mại thông qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics và giảm chi phí logistics hợp lý chứ không phải chào chi phí thấp bằng mọi giá như một số công ty cung cấp dịch vụ logistics thương mại hiện đang áp dụng. Vì vậy, giảm chi phí logistics thương mại là một nhiệm vụ hàng đầu của ngành logistics thương mại VN. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA) cần sớm chủ trì một dự án nghiên cứu riêng cho vấn đề quan trọng này.

    Để tính toán đầy đủ chi phí logistics thương mại của cả một quốc gia là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với một công ty sản xuất, xuất nhập khẩu hay cung cấp dịch vụ. Logistics thương mại gồm nhiều hoạt động cho nên việc tính đầy đủ chi phí là cần thiết. Để thuận lợi trong việc xác định chi phí logistics thương mại, các nhà nghiên cứu đã quy về ba loại chi phí: chi phí giao thông vận tải (transport costs) chi phí tồn kho chủ động (inventory costs) và chi phí quản lý (administration costs).

    Mặc dù chưa được đo lường một cách toàn diện, chi phí logistics thương mại của VN ước tính là khá cao so với những nước đã phát triển và các nước chính trong khu vực. “Ước tính” gần đây về chi phí logistics thương mại của VN tính theo phần trăm của GDP4:

    Ước tính Nguồn

    20-25% VITRANSS 2

    15-20% Đánh giá Quy định Vận tải đa phương thức

    Trong khoảng 25% Đánh giá về thúc đẩy Thương mại và Giao thông

    Của Ngân hàng Thế giới (Dự thảo)

    Trong khi đó chỉ số này của Mỹ 9,2% (2010), châu Âu 12% (2006-2008), Trung Quốc 21,3% (2004).

    Các chỉ số khác về hiệu quả hoạt động logistics thương mại: Chỉ số Năng lực logistics thương mại của WB (LPI) 2010 (1=kém nhất, 5=có thể tốt nhất): Đức 4,11, Mỹ 3,86, Trung Quốc 3,49, Thái Lan 3,29, Việt Nam 2,96.5.

    Tài liệu tham khảo

    [1] Báo cáo nghiên cứu về logistics thương mại tại Việt Nam và ASEAN-SERV-3,7/2011, tr.4

    2 World Bank Report 2010 - Connecting to Complete Trade Logistics in the Global Economy, tr. iii

    3.Otaviano Canuto, Vice President & Head of Network, Poverty Reduction & Economics Management - Forwards, WB Report 2010 - Connecting to Complete Trade Logistics in the Global Economy

    4, 5. Hoàng Anh Dũng, Chuyên gia cao cấp WB tại Việt Nam, Thách thức và cơ hội của Logistics Việt Nam (12.2012)

    Nguyến Tương