Quy định về vận tải hàng hóa đường thủy nội địa



  • Sau khi hàng hóa đã xếp xong xuống phương tiện, người kinh doanh vận tải hàng hóa phải lập Giấy vận chuyển hàng hóa.
    Ngày 2 tháng 11 năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải,xếp, dỡ, giao, nhận và bảo quản hàng hóa trên đường thủy nội địa.
    Sau khi hàng hóa đã xếp xong xuống phương tiện, người kinh doanh vận tải hàng hóa phải lập Giấy vận chuyển hàng hóa.

    Người kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền:

    Yêu cầu người thuê vận tải hàng hóa mở bao, kiện để kiểm tra trong trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của việc khai báo chủng loại hàng hóa; từ chối vận tải những bao, kiện chứa hàng hóa không đủ điều kiện và các loại hàng hóa bị cấm vận chuyển;
    Yêu cầu trả tiền lưu hàng hóa trên phương tiện do lỗi của người thuê vận tải, người nhận hàng gây ra.
    Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hoá để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của các thông tin đó;
    Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thoả thuận trong hợp đồng;
    Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng;
    Yêu cầu giám định hàng hoá khi cần thiết;
    Lưu giữ hàng hoá trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.
    Hàng hóa siêu trọng là hàng hóa không thể tháo rời, có trọng lượng toàn bộ trên 100 tấn. Khi vận tải hàng hóa siêu trường/siêu trọng thì tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền.

    Hồ sơ gồm:
    a) Đơn đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa(theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này);
    b) Phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng (theo các nội dung tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).

    Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng và gửi cho tổ chức, cá nhân để thực hiện. Trường hợp không phê duyệt phương án phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Tổ chức, cá nhân không phải nộp phí hoặc lệ phí đối với việc phê duyệt phương án vận tải.

    Thông tư quy định cụ thể về việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình vận tải, trong quá trình giao nhận hàng hóa, giải quyết hàng quá hạn lưu kho lưu bãi, hàng hư hỏng và bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc xác định được lỗi của các bên. Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có quyền yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Ban hành kèm theo Thông tư là các phụ lục về Giấy vận chuyển; Đơn đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa, Phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa, Quyết định phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa

    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và không áp dụng đối với việc vận tải hàng hóa nguy hiểm. Bãi bỏ Quyết định số 33/2004/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa


Hãy đăng nhập để trả lời