Phát triển logistics tỉnh Hậu Giang: Thực trạng và giải pháp



  • 1. Tổng quan về địa lý, kinh tế, xã hội Hậu Giang:
    Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích tự nhiên là 160.058,69 ha, chiếm khoảng 4% diện tích vùng ĐBSCL và chiếm khoảng 0,4% tổng diện tích tự nhiên nước Việt Nam. Địa giới hành chính tiếp giáp 5 tỉnh: thành phố Vị Thanh trung tâm tỉnh lị cách thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam; phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu..
    Nông nghiệp của Hậu Giang chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Từ xa xưa vùng đất này đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Đất đai phì nhiêu, có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại. Ngoài ra, Hậu Giang còn có nguồn thủy sản khá phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt (hơn 5.000 ha ao đầm nuôi tôm cá nước ngọt) và chăn nuôi gia súc. Đặc biệt Sông Mái Dầm (Phú Hữu - Châu Thành) có đặc sản cá Ngát nổi tiếng.
    Về công nghiệp, hiện nay tỉnh đã quy hoạch và xây dựng một số khu công nghiệp tập trung: Khu công nghiệp Sông Hậu, cụm công nghiệp Phú Hữu A và các khu dân cư, tái định cư thương mại.., thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ví dụ tiêu biểu như UBND tỉnh đã giao đất cho 3 nhà đầu tư (Tập đoàn công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam, Công ty Cổ phần hải sản Minh Phú và Công ty Cổ phần Kho ngoại quan Cần Thơ…

    2. Thực trạng logistics tại tỉnh Hậu Giang
    2.1. Về cơ sở hạ tầng logistics:

    Hậu Giang giáp ranh với Thành phố Cần Thơ – Trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng ĐBSCL, nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Sân bay quốc tế Cần Thơ; Bến cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ; Nhiều trường đại học đa ngành, chuyên ngành (đào tạo trên 40.000 sinh viên 1 năm ) và hệ thống trường cao đẳng dạy nghề, trường dạy ngoại ngữ tiếng Anh, Hoa, Pháp, Nga . . ., bệnh viện tầm cỡ khu vực. Các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, các cơ sở an sinh ở khu đô thị mới, dịch vụ nhà hàng, khách sạn 3 – 5 sao, văn phòng cho thuê, hệ thống siêu thị, hoạt động nghệ thuật và du lịch sinh thái . . . đều có sẵn và rất tiện ích trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và khu vực lân cận.
    Ngoài 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 61 chạy qua, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu – 1 trong 2 nhánh sông lớn của sông Mê Kông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ. Kinh xáng Xà No, kinh Quản lộ Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL đi Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, trung ương và tỉnh đang tập trung đầu tư mới tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tuyến lộ Nam sông Hậu nối cầu Cần Thơ đi các tỉnh ĐBSCL.
    Dựa vào thế tiền sông, hậu lộ của hệ thống giao thông thủy sông Hậu, cầu Cần Thơ và các trục lộ chính đi qua, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Khu đô thị Công nghiệp sông Hậu quy mô diện tích 3.275 ha; Cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh quy mô diện tích 201 ha; Cụm công nghiệp Vị Thanh quy mô diện tích 53 ha; Cụm công nghiệp Ngã Bảy qui mô diện tích 25 ha. Hiện các Khu – Cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút nhiều nhà đầu tư đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước lấp kín địa bàn.
    Khu công nghiệp Sông Hậu và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh xếp thứ 3 về diện tích trong khu vực ĐBSCL, sau Long An, Tiền Giang. Hạ tầng 2 khu công nghiệp này được xem là đồng bộ để có thể khai thác được dịch vụ logistics.
    Theo kế hoạch đến năm 2020, các khu công nghiệp của tỉnh sẽ được lấp đầy và khi đi vào hoạt động với lượng hàng trung bình 1.000 tấn/ha/năm, nguồn hàng hóa cần vận tải từ địa bàn khu vực sẽ đạt gần 0,5 triệu tấn/năm. Các cảng địa phương, cảng khu công nghiệp sẽ là những đầu mối giao thông thủy chuyên chở hàng hóa hiệu quả bởi giá thành rẻ, khối lượng vận tải được nhiều hơn so với đường bộ. Hiện, có 3 cảng trên sông Hậu hoạt động gồm Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang phục vụ cho tàu có tải trọng 20.000DWT, 2 cảng chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhà máy giấy Lee&Man và Tổng kho phân phối Vinafco tại Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú.

    2.2. Về dịch vụ logistics:

    Có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nhưng đến nay các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics trọn gói hầu như chỉ đáp ứng gói gọn nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa cho một vài doanh nghiệp. Hình thức thuê kho bãi, vận chuyển cũng chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, giữa vận tải với kho bãi. Cho nên thủ tục giao nhận thường gây ra chậm trễ, phát sinh chi phí cao và đặc biệt là phiền hà cho khách hàng. Đây chính là hạn chế khiến doanh nghiệp xuất khẩu giảm sức cạnh tranh do chi phí vận chuyển cao.

    3. Triển vọng:

    Hậu Giang có đủ điều kiện phát triển và đưa hoạt động này lên một tầm cao mới. Bởi, thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng đang rất sôi động. Với giá trị xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 triệu USD năm 2016 và con số đó sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Vì thế, nếu chất lượng logistics càng được đầu tư thì sẽ là “cú hích” lớn với lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh. Nhất là tỉnh đã xác định vai trò quan trọng trong việc tăng cường các dự án đầu tư phục vụ dịch vụ logistics, xây dựng cảng biển. Do vậy, cần phải tổ chức lại hoạt động logistics theo hướng bài bản, có đầu tư chiều sâu và triển khai một cách đồng bộ.

    UBND tỉnh cũng vừa chấp thuận chủ trương thành lập Trung tâm Logistics cấp tỉnh đặt tại khu đất 87ha của Vinalines Hậu Giang (Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang - chủ đầu tư). Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến các doanh nghiệp logistics thương mại và xây dựng chiến lược phát triển theo hướng liên kết thành một trung tâm logistics trên địa bàn để phục vụ cho tỉnh. Do đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng độ bao quát thị trường và kéo giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng. Dịch vụ logistics phát triển tương xứng với quy mô công nghiệp sẽ góp phần đem lại hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
    Dịch vụ logistics phát triển tương xứng với quy mô công nghiệp sẽ góp phần đem lại hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
    Trung tâm Logistics Hậu Giang kết nối trực tiếp với Cảng Vinalines Hậu Giang (có thể tiếp nhận tàu tải trọng 20.000DWT) và trung chuyển hàng tới cảng Cái Cui - thành phố Cần Thơ. Trung tâm này sẽ kết hợp cùng dự án Mekong Logistics của Công ty CP Mekong Logistics cùng các doanh nghiệp logistics thương mại khác tạo thành khu vực cung cấp các dịch vụ đa dạng, đồng thời kết nối với Trung tâm Logistics của vùng ĐBSCL đặt tại thành phố Cần Thơ.

    4. Giải pháp:
    Trong thời gian tới, để phát huy các tiềm năng về logistics, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Hậu Giang cần tập trung vào các giải pháp sau đây:
    Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp logistics thương mại và xây dựng chiến lược phát triển theo hướng liên kết thành một trung tâm logistics trên địa bàn để phục vụ cho tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng độ bao quát thị trường và kéo giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng.
    Từng bước tháo gỡ các điểm nút về hạ tầng để tạo điều kiện cho các dịch vụ logistics phát triển, trên cơ sở giảm chi phí ở mức hợp lý trong ngắn hạn nhưng vẫn đảm bảo bền vững trong dài hạn.

    VITIC tổng hợp và phân tích

    #qalogistics #logisticshaugiang