“NƯỚC SỐT BÍ MẬT” LÀM NÊN THÀNH CÔNG CHO CHUỖI CUNG ỨNG MCDONALD’S



  • Chuỗi cung ứng là chìa khóa quyết định thành công của McDonald’s. Xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững gắn liền với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là điều chuỗi cửa hàng ăn nhanh hàng đầu thế giới chú trọng phát triển trong nhiều năm gần đây.
    Chiến lược của McDonald’s
    Thiết lập nguồn cung ứng cung ứng bền vững, đạt chứng nhận dựa trên những tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi là một chiến lược đã đạt được nhiều kết quả khả quan; đem lại lợi ích không chỉ cho McDonald’s mà còn lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng. Để đạt được điều đó, McDonald’s đề ra chiến lược tạo mối quan hệ hợp tác hiệu quả với những nhà cung cấp và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp và phát triển bền vững.

    McDonald’s xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng áp dụng cho các nguyên liệu đầu vào mà họ yêu cầu nhà cung cấp phải đáp ứng là “The Supplier Code of Conduct”. Đây là điều kiện tiên quyết cho bất cứ ai muốn trở thành đối tác cung ứng của McDonald’s. “The Supplier Code of Conduct” bao gồm những tiêu chuẩn áp dụng cho môi trường làm việc, các tác động đến môi trường sống, đạo đức kinh doanh và mới đây nhất là về quyền con người.
    Theo McDonald’s, “The Supplier Code of Conduct” là một trong những nhân tố nền móng để thực hiện các cam kết của hãng hướng tới sự bền vững. Một năm nhà cung cấp sẽ được McDonald’s “ghé thăm” hai lần để kiểm tra, chưa kể nhiều lần kiểm tra đột xuất.
    Không chỉ yêu cầu, McDonald’s còn là một trong những đối tác chính hỗ trợ nhà cung cấp giải quyết những khó khăn gặp phải trên con đường sản xuất bền vững. Một mặt, McDonald’s phối hợp với các tổ chức xã hội về môi trường, thực phẩm hoặc nông nghiệp liên quan thiết lập các tiêu chuẩn về bền vững và cơ chế chứng nhận. Mặt khác, họ thực hành các chương trình sản xuất thử nghiệm và kêu gọi các nhà cung cấp tham gia để được chứng nhận. Thành công của McDonald’s với thịt bò là một ví dụ.
    Thử nghiệm thành công với nguồn cung cấp thịt bò
    McDonald’s đặt mục tiêu đạt một tỉ lệ nhất định thịt bò xuất phát từ nguồn bền vững có chứng nhận kể từ năm 2016. Thực hiện điều này không hề dễ dàng vì tại thời điểm chương trình bắt đầu năm 2011, thế giới chưa có một định nghĩa được công nhận rộng rãi về các nguồn thịt bò bền vững.
    McDonald’s cùng với Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Cargill (công ty lớn của Mỹ chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, thực phẩm, công nghiệp và tài chính toàn cầu), JBS (công ty chế biến thịt bò, heo và cừu hàng đầu nước Mỹ) và các tổ chức khác thành lập nên Hội nghị Bàn tròn về Thịt bò Bền vững (the Global Roundtable for Sustainable Beef – GRSB) để xây dựng một bộ tiêu chuẩn về nguồn thịt bò bền vững và cấp chứng nhận cho các đơn vị tham gia. Năm 2014, Bộ nguyên tắc hướng dẫn và thực hành cho nội dung trên được Hội nghị hoàn thành, công bố cũng như cho áp dụng.
    McDonald’s chọn các nhà chăn nuôi và sản xuất thịt bò Canada là đối tượng cho dự án Thử nghiệm Chứng nhận Nguồn thịt bò Bền vững. Dự án theo chân 9000 đầu gia súc kể từ khi được sinh ra đến lúc lấy thịt, thu hút sự tham gia của 181 tổ chức, bao gồm những người chăn nuôi, nhà phân phối hay chế biến thịt bò, v.v. Đây là lần đầu tiên Bộ nguyên tắc hướng dẫn của GRSB được áp dụng với hầu hết các doanh nghiệp tham gia được cấp chứng nhận, và McDonald’s Canada là chi nhánh đầu tiên của McDonald’s sử dụng 100% thịt bò từ các nguồn bền vững từ chính đất nước này.
    Thành công trong các nguồn thực phẩm khác
    McDonald’s cũng đạt được nhiều mục tiêu tích cực với các nguồn thực phẩm đầu vào khác. Ví dụ, đến năm 2012, 100% nguồn cung cấp cá lạt (whitefish) của McDonald’s được cấp chứng nhận bền vững của Hội đồng Quản lý Biển (Marine Stewardship Council (MSC) – tổ chức phi lợi nhuận chuyên thẩm định và cấp chứng nhận cho các tài nguyên biển được khai thác từ các nguồn bền vững. Mục tiêu năm 2010 của McDonald’s là đạt 100% cà phê, dầu cọ và cá được cung cấp từ các nguồn bền vững (theo Báo cáo Bền vững của McDonald’s 2012 – 2013).
    McDonald’s khuyến khích những hành động dù là nhỏ nhất từ phía các nhà cung cấp góp phần tăng tính bền vững của chuỗi cung ứng. Vào tháng 5/2014, công ty phát hành một báo cáo với tên gọi “Best of Sustainable Supply 2014”, trong đó biểu dương 36 nhà cung cấp và 51 dự án “mang lại sự đổi mới thực sự hướng tới chuỗi cung ứng bền vững hơn” với sáng kiến trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, nước, nguồn rác thải, đất, da đạng sinh học, sức khỏe và bảo hiểm con người và động vật, các tác động tới cộng đồng và nền kinh tế, v.v.
    McDonald’s nhận được 585 đơn ứng cử trước đó, một con số cho thấy tầm ảnh hưởng không nhỏ của doanh nghiệp này. Rõ ràng việc xuất hiện trong báo cáo vinh danh của McDonald’s là động lực rất lớn cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh bền vững, trong đó có nhiều SMEs.
    Các kết quả thu được từ chiến lược tìm kiếm nguồn cung ứng bền vững của McDonald’s mang tính hệ thống và lan tỏa rất lớn. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc tập đoàn này mất bao lâu và có đạt các mục tiêu đề ra hay không mà còn là sự chia sẻ tầm nhìn, hỗ trợ và hợp tác ở mức cao nhất với các đối tác của của McDonald’s, hướng tới các mục tiêu bền vững trong dài hạn nhất có thể.

    0