FREECONOMICS: NGHỆ THUẬT KIẾM TIỀN BẰNG CÁCH CHO KHÔNG



  • "Freeconomics" (tạm dịch: Kinh tế học miễn phí) là một thuật ngữ bắt nguồn từ Marketing Online, nhưng trên thực tế đây là một mô hình đã có từ lâu đời, với người đi tiên phong là Gillette. Hãng này đã phát miễn phí dao cạo râu được cấp chứng nhận an toàn nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, và rồi rất nhiều công ty khác đã áp dụng mô hình này.

    Freeconomics đặt ra một bài toán chiến lược đặc biệt quan trọng đối với những nhà quản lý phát triển sản phẩm, người điều hành công ty, và các giám đốc tài chính: làm thế nào để xây dựng một chiến lược giá hài hòa giữa việc phát miễn phí và bán ở mức giá định sẵn sao cho có thể đạt doanh thu tối đa.

    PHÍ TỔN KINH DOANH TRỰC TUYẾN: ZERO

    Năm 2007, ban nhạc Radiohead phát hành album trực tuyến mang tên "In Rainbows". Họ cho phép người nghe tự đặt giá khi tải nhạc, và song song với bước đi này, Radiohead cũng phát hành album này dưới dạng CD. Album "In Rainbows" đã thành công rực rỡ khi có doanh số bán ra bằng cả 2 album trước đó của nhóm cộng lại. Chiến lược này được rất nhiều ban nhạc khác áp dụng thành công khi họ sử dụng mạng xã hội MySpace như một công cụ hiệu quả để tiếp cận người nghe một cách miễn phí. Một ví dụ khác, những game trực tuyến có phần hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo và không thu phí từ người chơi. Hầu như mọi thứ Google làm ra đều miễn phí cho người tiêu dùng, từ Gmail, Picassa, cho tới dịch vụ thoại giới thiệu doanh nghiệp GOOG-411.

    Sự nảy sinh của “freeconomics” - tạm dịch là “kinh tế học miễn phí” – được thúc đẩy bằng chính những công nghệ cơ bản đang tiếp nguồn lực cho web. Nếu như định luật Moore đã chỉ rõ rằng giá của các bộ vi xử lý cứ sau 18 tháng lại giảm một nửa, giá của băng thông và thiết bị lưu trữ lại càng giảm nhanh hơn thế. Nói cách khác, các đường hướng xác định phí tổn của việc kinh doanh trực tuyến tất cả đều chỉ về một hướng: zero.

    Nhưng hãy nói điều đó với tay tổng giám đốc thông tin (CIO) vừa cắn răng chi cả triệu đô la để mua thêm một loạt server mới thử xem! Công nghệ chẳng có vẻ gì là miễn phí khi ta sẽ mua sắm thiết bị nói chung. Thế nhưng, nếu ta nhìn theo hướng ngược lại, thì lý thuyết kinh tế sẽ thay đổi. Dãy đĩa cứng đắt tiền ấy (chi phí cố định) có thể phục vụ hàng chục ngàn người dùng (chi phí phát sinh). Web chẳng là gì nếu không phải là quy mô, là tìm cách thu hút được nhiều người dùng nhất đến những nguồn tài nguyên tập trung, là phân tán những chi phí ấy cho số lượng công chúng ngày càng lớn khi công nghệ ngày càng tăng sức mạnh.

    Đó không phải là chuyện phí tổn của thiết bị trong hệ thống server ở trung tâm dữ liệu, mà là chuyện thiết bị ấy có thể làm gì. Và hàng năm, cứ như một bộ máy thần kỳ, nó càng làm việc nhiều hơn với chi phí càng thấp hơn, đưa các chi phí phát sinh của công nghệ trong những hệ thống mà từng cá nhân chúng ta tiêu thụ càng gần tới mức zero.

    Điều này có ý nghĩa gì với khái niệm miễn phí? Hãy lấy một ví dụ. Vài năm trước, Yahoo tuyên bố rằng dịch vụ webmail miễn phí Yahoo! Mail sẽ cung cấp khả năng lưu trữ vô hạn. Cho nên, giá thị trường của việc lưu trữ trên mạng, ít nhất cho email, bây giờ đã bằng zero. Và điều kinh ngạc là chẳng có ai ngạc nhiên cả; nhiều người đã cho rằng việc lưu trữ vô hạn không mất tiền là chuyện đương nhiên.

    WEB: VÙNG ĐẤT MIỄN PHÍ

    Bây giờ rõ ràng là mọi thứ mà công nghệ web chạm tới thực tế đều đi theo con đường miễn phí, ít nhất là trong phạm vi quan tâm của người tiêu dùng chúng ta. Các phương tiện lưu trữ bây giờ liên kết băng thông (YouTube: miễn phí) và sức mạnh xử lý (Google: miễn phí) trong cuộc đua kéo giá xuống đáy. Kinh tế học cơ bản cho ta biết trong thị trường cạnh tranh, giá giảm khi sản lượng tăng. Chưa có thị trường nào cạnh tranh hơn là internet và sản lượng (người dùng) tăng cực đại đã đẩy chi phí phát sinh của thông tin số tiến gần tới mức bằng không.

    Một trong những câu nói hài hước từ thời bong bóng dot-com cuối những năm 1990 là: trên internet chỉ có hai con số - vô tận và số không. Số đầu tiên sai, chí ít là sai khi áp dụng vào định giá trị trường chứng khoán. Nhưng số thứ hai vẫn tồn tại. Web đã trở thành vùng đất miễn phí.

    Kết quả là bây giờ chúng ta không chỉ có một mà tới hai xu thế thúc đẩy mô hình kinh doanh miễn phí khắp nền kinh tế. Thứ nhất, công nghệ đang cho các công ty khả năng linh hoạt lớn hơn để xác định quy mô các thị trường của mình, cho phép các công ty tự do hơn trong việc tặng không các sản phẩm hay dịch vụ cho một đối tượng khách hàng nào đó trong khi bán chúng cho một đối tượng khác. Chẳng hạn như hãng máy bay giá rẻ Ryanair đã làm đảo lộn ngành công nghiệp hàng không dân dụng bằng cách tạo dựng thương hiệu của mình là một hãng du lịch với đầy đủ dịch vụ hơn là một công ty bán chỗ ngồi trên máy bay.

    Xu thế thứ hai đơn giản là bất cứ thứ gì liên quan đến các hệ thống kỹ thuật số đều nhanh chóng chịu tác động của sự giảm giá. Không có gì đáng ngạc nhiên về sức mạnh giảm phát của công nghệ, điều mới mẻ chính là tốc độ cực nhanh của đủ loại ngành nghề đã trở thành những doanh nghiệp số hoá để có thể khai thác khả năng kinh tế này. Khi Google biến ngành quảng cáo thành một ứng dụng phần mềm, một ngành kinh doanh dịch vụ kinh điển trước kia dựa trên khả năng kinh tế của con người (mọi thứ ngày càng đắt đỏ hơn) đã chuyển thành khả năng kinh tế của phần mềm (mọi thứ ngày càng rẻ đi). Mọi thứ, từ dịch vụ ngân hàng cho tới cờ bạc cũng thế. Khi chi phí chính yếu của một công ty trở thành những thứ dựa trên nền tảng silicon, “miễn phí” không chỉ trở thành một sự lựa chọn mà là đích đến không thể tránh.