Tại sao gọi bên trái của tàu biển là Port và bên phải là Starboard?



  • Tàu biển vận chuyển khoảng 90% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu, là phương tiện chuyên chở lâu đời và phổ biến nhất trong mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy vậy, từ ngữ về tàu biển nhiều khi gây khó hiểu cho những ai từng làm công việc có liên quan đến lĩnh vực này. Ví dụ như: tại sao chỉ dùng “she” cho tàu biển mà không dùng “he” hoặc “it”; lý do gì mà thuật ngữ nói về bên trái của tàu biển lại trùng với từ “cảng” (port), và bên phải lại có từ “ngôi sao” (star) ghép với “miếng ván” (board)? Đã có nhiều giải thích cho những thắc mắc này nhưng đến nay vẫn chưa thực sự thuyết phục. Dưới đây là vài lời giải về hai từ “bên trái/ mạn trái” (port) và “bên phải/mạn phải” (starboard) của tàu biển để bạn đọc tham khảo.

    Mạn trái (port) và mạn phải (starboard) của tàu biển có nghĩa là gì? Hầu hết các bạn có thể đã nghe thuật ngữ bên trái (mạn trái) và bên phải (mạn phải) liên quan đến tàu biển. Đây thực sự là những thuật ngữ hàng hải dùng để chỉ phía bên trái và phía bên phải của con tàu khi bạn đang nhìn từ phía sau hướng về phía mũi tàu (phía trước của con tàu - còn được gọi là fore). Phần phía sau của con tàu được gọi là stern (còn có tên khác là aft). Có nhiều câu trả lời về lịch sử của tên gọi port và starboard như được nêu dưới đây.

    Trước khi tàu có bánh lái mà trục của nó nằm trên mặt phẳng trục dọc - mặt phẳng chia đôi tàu theo đường trục dọc - tàu/thuyền được lái bằng cách sử dụng mái chèo chuyên dụng. Mái chèo này được giữ và điều khiển bởi một người chèo lái nằm ở đuôi tàu (phía sau của tàu). Tuy vậy, giống như phần lớn mọi người trong xã hội, có nhiều thủy thủ thuận tay phải hơn là thuận tay trái. Điều này có nghĩa là mái chèo lái (đã được mở rộng để kiểm soát việc điều khiển tốt hơn) đã từng được gắn vào mạn phải của con tàu thuyền.

    Thuật ngữ “bên trái” bắt nguồn từ thực tế của các thủy thủ buộc tàu ở phía bên trái tại các cảng để tránh cho mái chèo lái không bị hư hỏng do va đập với cầu cảng. Qua bảo tàng Longboat ở Oslo, người ta biết rằng một chiếc thuyền dài của người Viking được lái bởi một tấm ván gỗ lớn gọi là "ván lái". Ngày nay thường gọi là "bánh lái", đôi khi gọi là "bánh rẽ nước". Ván lái được vận hành bởi người lái tàu, quay mặt về phía trước và, vì hầu hết mọi người đều thuận tay phải, nên anh ta đương nhiên sẽ điều khiển ván lái bằng tay phải của mình. Vì ván lái luôn ở bên phải nên phía bên phải của con tàu được gọi là “phía ván lái”. Sau này, thuật ngữ “steer- board” (ván lái) được hòa trộn vào ngôn ngữ tiếng Anh và phát triển thành “starboard” (mạn phải).

    Một phiên bản khác cho rằng, ngày xưa, trước khi bản đồ ra đời, việc đi biển được thực hiện bằng cách căn cứ vào sự sắp đặt của các vì sao trên bầu trời. Thông thường, những thuyền buồm, tàu buồm cũ có cột buồm và buồm dài, điều này làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái tàu. Vì vậy, các thủy thủ đã làm một boong kéo dài ra phía bên phải để quan sát các vì sao và tiếp tục hành trình đi biển. Nhờ vậy, một thủy thủ có thể ngồi trên boong kéo dài này và đọc vị trí các ngôi sao để báo cho thủy thủ lái tàu biết.

    Boong sử dụng để quan sát các vì sao và quyết định tuyến đường đi biển được gọi là boong mạn phải. Vì boong mở rộng này nằm ở phía bên phải nên chỉ có thể đưa mạn phía bên kia của tàu cập cảng (port) nên nó được đặt tên là mạn tàu “phía cảng” (port-side) và đây cũng chính là mạn trái của tàu. Sau khi bánh lái hiện đại có trục nằm trên mặt phẳng trục dọc - mặt phẳng chia đôi tàu theo đường trục dọc - được phát triển thì không còn nhất thiết phải cho tàu cập bến cảng bằng mạn trái của tàu nữa. Các tàu giờ đây đều có thể cập bến (cập cảng, cập cầu) bằng mạn phải hoặc mạn trái của tàu tùy tình hình cụ thể về an toàn, thời tiết, dòng chảy của cảng.

    Mạn trái của tàu có đèn hành trình (đèn mạn) màu đỏ, mạn phải có đèn hành trình (đèn mạn) màu xanh. Tàu cũng có đèn màu trắng trên cột và tại đuôi tàu (thường gọi là phía sau, phía lái, đuôi tàu), khi kết hợp với đèn xanh và đỏ sẽ giúp xác định hướng di chuyển của tàu dễ dàng hơn vào ban đêm. Những đèn hành trình này quan trọng và giúp ích rất nhiều trong quá trình tàu tuân thủ COLREGS (Quy tắc phòng tránh tàu thuyền đâm va trên biển). Những đèn này dùng để xác định hướng đi và vị trí của tàu vào ban đêm cũng như được sử dụng trong trường hợp tàu đi đối hướng (ngược chiều nhau), cắt nhau, hoặc vượt nhau. Ví dụ, nếu có hai tàu đang đi đối hướng nhau, mỗi tàu nên chuyển hướng sang phải để đi ngược chiều nhau ở mạn trái của mỗi tàu trừ khi có thông báo khác theo các quy tắc phòng tránh đâm va khi hành trình.

    Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC