Ứng dụng điện toán đám mây trong chuỗi cung ứng



  • Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, điện toán đám mây (ĐTĐM) là một nền tảng quan trọng trong việc hỗ trợ làm việc từ xa, giáo dục và tổ chức sự kiện trực tuyến, hay kinh doanh online.

    Sơ lược về điện toán đám mây

    Nhen nhóm từ những năm cuối thế kỉ XX, ĐTĐM hiện là giải pháp hữu dụng cho nhiều doanh nghiệp bởi tính nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và quy mô linh hoạt. Lợi thế nổi bật nằm ở việc giảm thiểu vốn đầu tư ban đầu khi không đòi hỏi lắp đặt và duy trì trung tâm dữ liệu tại chỗ, các chi phí đó có thể được dùng cho các dự án khác cũng như giúp doanh nghiệp tập trung hơn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thay vào đó, họ có thể tiếp cận đến các dịch vụ công nghệ như năng lượng điện toán, lưu trữ và cơ sở dữ liệu khi cần thiết từ các nhà dịch vụ đám mây.

    Nhiều tập đoàn lớn cung cấp dịch vụ Clouding như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google, IBM hay Alibaba đem đến 3 mô hình dịch vụ cơ bản là IaaS (Infrastructure as a Service), PaaS (Platform as a Service) và SaaS (Software as a Service). Gần đây, tập đoàn Alibaba thông báo sẽ đầu tư 28 tỷ USD để phát triển hệ thống bán dẫn và hệ điều hành cũng như cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu ĐTĐM, khi nhu cầu về phần mềm doanh nghiệp ở Trung Quốc bùng nổ.

    Amazon Go Và Oracle WMS Cloud
    Chúng ta có thể dễ thấy ứng dụng của ĐTĐM xuất hiện khá nhiều trong các công đoạn của chuỗi cung ứng. Một ví dụ điển hình, vào năm 2018, sự xuất hiện của Amazon Go đã thu hút được rất nhiều ánh mắt từ dư luận. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi mà bạn sẽ không thấy bóng dáng của thu ngân hay là cảnh xếp hàng chờ thanh toán như các cửa hàng truyền thống khác.

    Amazon Go đã thực sự đưa trải nghiệm khách hàng lên tầm cao mới, khi họ chỉ cần bước vào cửa hàng, lấy món đồ cần mua, và sau đó bước thẳng ra cửa. Để biết khách hàng đã chọn những thứ gì, Amazon sử dụng các cảm biến, camera kết hợp với các thuật toán nhận diện hình ảnh; những thiết bị này được lắp đặt trên kệ và trần nhà. Tuy nhiên, vẫn sẽ có vài nhân viên làm việc tại cửa hàng, và người mua hàng sẽ được yêu cầu scan mã vạch trên app của Amazon đã đăng ký từ trước tại cửa ra vào.

    Đối với Amazon, bằng cách phân tích đường đi của bạn trong cửa hàng và những món đã mua, cùng với dữ liệu về hành vi mua sắm trên trang thương mại điện tử của họ, Amazon nắm trong tay rất nhiều thông tin về khách hàng và có thể sử dụng nó cho mục đích quảng cáo hoặc hiển thị kết quả tìm kiếm chính xác hơn.

    Một cái tên khác không thể không nhắc đến là Oracle WMS Cloud của tập đoàn Oracle – chuyên phát triển và cung cấp các phần mềm cho doanh nghiệp như là giải pháp trong việc quản lý dữ liệu, được biết đến với sản phẩm Netsuite nổi tiếng trên thế giới. Với cải tiến trong lĩnh vực quản lý kho hàng trên nền tảng ĐTĐM bao gồm:

    Hệ thống quản lý sân bãi (yard management systems – YMS): đóng vai trò là người định vị cho kho bãi; cung cấp thông tin về các xe đầu kéo và container, cho phép công ty điều phối sân bãi, ưu tiên thực hiện những chuyến quan trọng và đẩy nhanh tốc độ hoàn thành đơn hàng
    Tích hợp với Quản lý Hàng tồn kho trên nền tảng Oracle Cloud: cho phép khách hàng của dịch vụ Oracle ERP và SCM Cloud có thể thực hiện các hoạt động tìm kiếm mua hàng và thực hiện các giao dịch với tốc độ nhanh hơn
    Khả năng mở rộng và tăng cường giải pháp: cho phép khách hàng/đối tác xây dựng các tiện ích mở rộng tùy chỉnh trên các tính năng quản lý kho hàng dựa trên nền tảng ĐTĐM bằng cách sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng web REST. Các tính năng tùy chỉnh này giúp cá nhân hóa các mốc thời gian nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh cụ thể, đồng thời tiết kiệm chi phí
    Nâng cao và đơn giản hóa trải nghiệm người dùng nhờ nền tảng trình duyệt mới
    Cho phép xử lý mã vạch 1D và 2D đa nguyên tố
    Dưới đây là video được đăng vào 2019 giải thích rõ hơn những gì mà Oracle WMS Cloud làm được.

    Content: Huy Ngân
    Design: Ngọc Như