QUY MÔ THỊ TRƯỜNG E-COMMERCE VÀ E-LOGISTICS



  • Theo Sách trắng Thương mại Điện tử (TMĐT) Việt Nam 2018, quy mô của thị trường TMĐT B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) là 6,2 tỷ USD năm 2017 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

    Nhờ vào mức độ thâm nhập cao của internet và sự nổi lên của xu hướng mua sắm trực tuyến, Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Với sự bùng nổ này, nhu cầu về logistics trong hệ sinh thái TMĐT (e-logistics) là rất lớn. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ken Research, quy mô của thị trường e-logistics này được ước tính có giá trị 90 triệu EUR vào năm 2018 và được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 42% mỗi năm cho đến năm 2022.

    RIÊNG THỊ TRƯỜNG E-LOGISTICS CHIA THÀNH 2 NHÓM CHÍNH LÀ: "E-LOGISTICS NỘI BỘ" VÀ "E-LOGISTICS 3PL"

    Những đơn vị tham gia thị trường E-Logistics có thể được chia thành hai nhóm chính: bộ phận e-logistics nội bộ của các sàn TMĐT (và các đại gia bán lẻ), và các nhà cung cấp dịch vụ e-logistics bên thứ ba (3PL).

    Theo Ken Research, thị trường E-Logistics chủ yếu được chi phối bởi các 3PL. Nhìn chung, trong những năm gần đây, các nhà sàn TMĐT có xu hướng thuê ngoài dịch vụ giao hàng thông qua 3PL ...

    NHÀ BÁN LẺ VÀ SÀN TMĐT THƯỜNG CÓ BỘ PHẬN E-LOGISTICS NỘI BỘ RIÊNG ...

    Đối với bộ phận e-logistics nội bộ của các sàn TMĐT, theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số Việt Nam, VẬN CHUYỂN và GIAO HÀNG là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng khi mua sắm trực tuyến.

    Việc phát triển hệ thống e-logistics là nhân tố không thể thiếu nhằm nâng cao trải nghiệm cũng như đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng trong vấn đề giao nhận hàng hóa, chẳng hạn như nhu cầu về TỐC ĐỘ GIAO HÀNG.

    Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ hay sàn TMĐT phát triển bộ phận e-logistics của riêng mình để hoàn thiện các đơn đặt hàng, bên cạnh việc dựa vào các đối tác 3PL để đạt hiệu quả tiết kiệm chi phí.

    Điển hình như Lazada và Tiki, hai sàn TMĐT lớn đã có thể tự hoàn thiện đơn hàng (fulfillment) của mình, thông qua Lazada E-Logistics Express và TikiNOW, bao gồm nhập kho, đóng gói và vận chuyển.

    Lazada đã đầu tư vốn rất mạnh để phát triển dịch vụ e-logistics nội bộ nhằm tăng công suất, mở rộng cơ sở vật chất. Gần đây, Lazada E-Logistics Express đã hoàn thành trung tâm phân loại thứ hai tại Hà Nội, sau trung tâm đầu tiên tại tp.HCM ...

    Bên cạnh đó, một số sàn TMĐT B2C lớn như Thegioididong, Dienmayxanh và FPT Shop cũng đã tự thực hiện việc giao hàng nhờ vào độ bao phủ lớn từ mạng lưới các cửa hàng của họ.

    MỘT SỐ SÀN TMĐT CŨNG CÓ BỘ PHẬN E-LOGISTICS THUÊ NGOÀI ...

    Trong khi đó, các sàn TMĐT C2C hàng đầu như Shopee, Sendo lại cung cấp dịch vụ giao hàng chủ yếu thông qua các đối tác giao hàng 3PL của mình, chẳng hạn như Giaohangtietkiem và DHL eCommerce ...

    CÒN CÁC E-LOGISTICS 3PL HỌ LÀ AI? LÀ CÁC CÔNG TY BƯU CHÍNH TRUYỀN THỐNG, STARTUPS, HẬU CẦN ĐA QUỐC GIA ...

    Đối với E-Logistics 3PL, các 3PL này, phục vụ e-logistics chính yếu cho TMĐT, không chỉ bao gồm các công ty bưu chính truyền thống như VNPost, EMS, ViettelPost; mà cả các công ty khởi nghiệp startup; và các công ty hậu cần đa quốc gia cũng đã tham gia rất mạnh mẽ trong những năm gần đây ..

    • Năm 2016 (vòng tròn trong): 45% nội bộ, 10% thuê ngoài 3PL, 45% cả hai
    • Năm 2017 (vòng tròn ngoài): 26% nội bộ, 20% thuê ngoài 3PL, 54% cả hai.

    CƠ HỘI NÀO CHO CÁC CÔNG TY BƯU CHÍNH TRUYỀN THỐNG? VÌ HỌ TUY "LỚN" MÀ "GIÀ" ...

    Với sự phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính truyền thống cũng đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ e-logistics tập trung thị trường này để trở nên phù hợp hơn với cuộc chơi.

    Với phạm vi hoạt động lớn của mạng lưới bưu cục hiện hữu trên toàn quốc và năng lực hoạt động cao (cơ sở hạ tầng và nhân lực), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính truyền thống thường thực hiện các đơn đặt hàng trên quy mô rộng (toàn quốc và cả quốc tế) và đưa ra mức giá cạnh tranh nhất.

    Liên quan tới dịch vụ giao hàng chặng cuối, các doanh nghiệp này có thế mạnh trong các đơn hàng khu vực nông thôn nhờ vào độ bao phủ rộng lớn ... Tuy nhiên, tốc độ giao hàng trong các thành phố đô thị có vẻ chậm hơn so với các startups tuy non trẻ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ ...

    Hiện tại, phần lớn nguồn lực của các công ty truyền thống này vẫn chủ yếu phục vụ dịch vụ chuyển phát nhanh thông thường, trong khi đóng góp e-logistics phục vụ các sàn TMĐT chưa thực sự đáng kể ..

    Như vậy, dư địa cho các công ty này phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) điểm mấu chốt để có thể tận dụng được đà tăng trưởng này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính truyền thống phải đầu tư và nhanh chóng áp dụng công nghệ vào hệ thống khổng lồ của họ để tối ưu hóa hoạt động, cải thiện chất lượng dịch vụ và duy trì tính cạnh tranh trong thị trường e-logistics này.

    NỞ RỘ CÁC STARTUP CHỈ CHUYÊN GIAO HÀNG ...

    Trong vài năm qua, nhiều startups giao hàng có định hướng phục vụ TMĐT đã tham gia vào thị trường. Bằng cách tiếp cận tập trung vào công nghệ và có sự hỗ trợ tài chính lớn từ các nhà đầu tư, những startups giao hàng này đang cố gắng phát triển nhanh nhất có thể. Họ sẵn sàng chịu lỗ trong một vài năm để đổi lấy việc giành thị phần.

    Các nỗ lực phát triển của các startups được chứng kiến thông qua việc xây dựng hệ thống kho, đội xe máy, xe tải giao hàng rầm rộ, và đặc biệt là áp dụng mô hình Điểm Lấy Hàng.

    Mô hình Điểm Lấy Hàng này được thiết kế để khách hàng nhận/gửi hàng từ một địa điểm được chỉ định bất cứ lúc nào, mà không phải chờ để nhận/gửi hàng ... Mô hình này đang được áp dụng bởi GHN (Giao Hàng Nhanh), một trong những startup đi đầu trong ngành giao hàng 😊, thông qua việc xây dựng mạng lưới các Điểm Lấy Hàng trong các cửa hàng tiện lợi như Shop & Go, Circle K, Vinmart+ ...

    Với các chiến lược, các nỗ lực này, các công ty startups có thể nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của mình thông qua mạng lưới của các nhà bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi, mà không tốn quá nhiều tiền để xây dựng các bưu cục, các điểm giao dịch ...

    Với sự hỗ trợ mạnh mẽ về công nghệ nữa, các công ty startups này dường như vượt trội hơn các công ty bưu chính truyền thống tại các đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội về thời gian giao hàng nhanh, giao hàng trong ngày ...

    Do thiếu mạng lưới toàn quốc, vấn đề đối với những công ty startups này là duy trì hiệu quả chi phí trong khi vẫn phải đảm bảo giá cả cạnh tranh khi nhân rộng hoạt động để tiếp cận khách hàng ở nông thôn ..

    Hiện tại, các startups vẫn phải hợp tác với các công ty bưu chính truyền thống để thực hiện các đơn đặt hàng của các tuyến liên tỉnh, thành phố hoặc các khu vực nông thôn. Điều này phản ánh vào mức giá cao hơn của các đơn đặt hàng phải hợp tác này ...

    CHÚNG TA CÙNG ĐIỂM DANH VÀ SƠ NÉT CÁC ĐƠN VỊ CUNG ỨNG DỊCH VỤ GIAO HÀNG TẠI VIỆT NAM NĂM 2019 NHÉ ...
    A. GIAO HÀNG NỘI BỘ

    1. Lazada E-Logistics Express: Lazada E-Logistic là công ty giao nhận trực thuộc tập đoàn Lazada. Công ty hiện đang hoạt động độc lập cung cấp các dịch vụ giao nhận, xử lí đơn hàng, kho bãi cho Lazada Việt Nam ...

    2. TikiNOW: là dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng 2 tiếng (có điều khoản áp dụng với loại sản phẩm và địa chỉ nhận hàng nhé) của Tiki. Dịch vụ TikiNOW này được triển khai từ khoảng tháng 09/2017 ...
      .

    3. Thegioididong, Dienmayxanh, Bachhoaxanh: Thegioididong cam kết sẽ giao hàng trong vòng 60 phút đối với điện thoại di động, máy tính bảng ... Riêng các sản phẩm khác được giao trễ nhất là 2-3 giờ ...

    4. FPT Shop: Hệ thống bán lẻ FPT Shop vừa ra thông báo triển khai dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng một giờ, và đưa ra cam kết sẽ bồi thường cho khách hàng nếu giao trễ hẹn. Theo đó, khách hàng chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://fptshop.com.vn/ctkm/giao-hang-nhanh, rồi lựa chọn những sản phẩm công nghệ yêu thích cần mua, mà không phải đến cửa hàng, chọn phương thức thanh toán và địa chỉ nhận hàng tại nhà ...

    B. GIAO HÀNG 3PL - CÁC CÔNG TY BƯU CHÍNH TRUYỀN THỐNG

    1. VNPost: VNPost hay Vietnam Post là công ty bưu chính thuộc VNPT. Hệ thống VNPost có gần 13.000 điểm giao dịch phủ khắp 63 tỉnh thành, số nhân viên lên tới 42.000 người ...

    2. EMS: EMS (Express Mail Service) là dịch vụ chuyển phát nhanh, nghĩa là vận chuyển phát nhanh hàng hóa bưu phẩm trong và ngoài nước. Dịch vụ EMS cho phép vận chuyển tất cả các loại hàng hóa từ tỉnh thành này đi tỉnh thành khác trong thời gian nhanh chóng và không có sự giới hạn về số lượng ,trọng lượng hàng hoá. Hiện tại, ở Việt nam, dịch vụ EMS đang được 100% các bưu điện và bưu cục nhà nước tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh thành ...

    3. ViettelPost: ViettelPost là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chuyên kinh doanh các dịch vụ bưu chính như Chuyển phát nhanh (VCN), Chuyển phát hỏa tốc (VHT), Chuyển phát tiết kiệm (VTK) …
      Gần đây ViettelPost đưa ra ứng dụng MyGo, chính thức gia nhập thị trường Gọi xe và Giao hàng như các startups ...

    C. GIAO HÀNG 3PL - CÁC CÔNG TY ĐA QUỐC GIA, CÁC STARTUPS CHUYÊN GIAO HÀNG

    1. GrabExpress: Nhắc đến ứng dụng giao hàng không thể không nhắc đến GrabExpress – một ứng dụng giao hàng Grab, cái tên phổ biến nhất hiện tại và cũng là ứng dụng giao hàng số 1 trên thị trường Việt Nam. Với ưu thế vượt trội là đội ngũ tài xế Grabike phủ khắp mọi nơi, do đó việc gọi giao hàng qua GrabExpress sẽ khá nhanh chóng và tiện lợi.

    2. Go-Send: Nếu Go-Viet là cái tên chỉ đứng thứ 2 sau Grab, thì Go-Send chính là dịch vụ giao hàng bằng xe máy của Go-Viet được tích hợp trên app, dành cho khách hàng có nhu cầu đặt tài xế giao hàng.

    3. GiaoHangTietKiem: là ứng dụng giao hàng tiết kiệm được ưa chuộng trên thị trường. App giao hàng cho phép các Shop bán hàng online tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc đăng ký tài khoản, đăng nhập, kiểm tra trạng thái đơn hàng. GiaoHangTietKiem đang là đối tác giao hàng cho hai sàn TMĐT C2C là Shopee và Sendo.

    4. DHL eCommerce: DHL eCommerce cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh toàn quốc cho tất cả các khách hàng. Dịch vụ này cung cấp các giải pháp vận chuyển toàn diện nhằm hỗ trợ và giúp các nhà bán hàng thương mại điện tử có thể dễ dàng kinh doanh trực tuyến. Hai sàn TMĐT C2C là Shopee và Sendo cũng đang dùng dịch vụ giao hàng của DHL eCommerce.

    5. GHN - Giao Hàng Nhanh: là dịch vụ giao hàng toàn quốc số một Việt Nam được xem là một địa chỉ ứng dụng giao hàng quen thuộc của nhiều doanh nghiệp. Là cái tên luôn xuất hiện trong mọi tuyến đường để hỗ trợ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn cho khách hàng. GHN cũng xây dựng mạng lưới các điểm lấy hàng trong các cửa hàng tiện lợi như Shop & Go, Circle K, Vinmart+ ...

    6. ShipS: là một ứng dụng giao hàng khá nổi tiếng khi hỗ trợ hoạt động trên cả 2 hệ điều hành iOS và Android. Ứng dụng ShipS đang thu hút rất đông người sử dụng và Bạn có thể kiếm được nhiều đơn hàng cũng như một khoản thu nhập khá tốt từ ứng dụng hoàn toàn miễn phí này.

    7. Ahamove: Ahamove là một cái tên khá mới trong danh sách những ứng dụng giao hàng uy tín nhất hiện nay, với chỉ khoảng 2 năm tuổi. Tuy nhiên, ứng dụng này đã nhanh chóng chứng minh những tiện ích của mình đối với những người bán hàng online đã tin tưởng lựa chọn sử dụng.

    8. ShipVN: Là ứng dụng được phát triển đầu tiên và duy nhất bởi đài truyền hình kỹ thuật số VTC1. Với hệ thống dịch vụ phần mềm thông minh, ShipVN sẽ hỗ trợ tương tác giữa những người bán hàng với những người giao hàng qua hệ thống thiết bị di động như điện thoại hoặc máy tính bảng.

    9. Săn Ship: Ứng dụng Săn Ship cũng là một lựa chọn hoàn hảo cho những người bán hàng online. Ứng dụng giao hàng nhanh này sở hữu giao diện đơn giản và bắt mắt. Đặc biệt, các đơn hàng liên tục được cập nhật một cách nhanh chóng và các shipper có thể yên tâm là không bao giờ thiếu đơn hàng để giao.

    10. Lalamove: Ứng dụng giao hàng Lalamove sẽ đáp ứng một cách tốt nhất tất cả các nhu cầu của bạn về giao hàng, từ việc giao tài liệu, hóa đơn; cho đến thức ăn, đồ uống nóng và lạnh; hoặc các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm …

    11. 5Ship: Ứng dụng 5Ship được phát triển đồng thời như một ứng dụng riêng lẻ hoặc hoạt động thông qua kênh Facebook. Theo đó, ứng dụng 5Ship sẽ tổng hợp tất cả các đơn hàng mà chủ shop yêu cầu rồi giới thiệu chúng đến các shipper giao hàng.

    12. ProShip: là dịch vụ giao hàng nhanh và thu hộ tiền nhanh chóng, an toàn và giá cả tốt nhất. ProShip tập trung vào 2 thị trường trọng điểm là Tp.HCM và Hà Nội, nơi mà ngành TMĐT đang phát triển không ngừng. ProShip là một đối tác giao hàng cho EMS ...

    13. Giaonhan247: Giaonhan247 luôn đi đầu trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam đảm bảo nhanh chóng, an toàn và uy tín nhất. Giaonhan247 cũng là một đối tác giao hàng cho EMS ...

    14. SShip: Ưu điểm lớn nhất của ứng dụng gọi xe tải chở hàng SShip là tận dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi như học sinh, sinh viên … SShip cũng áp dụng hình thức giao hàng thu tiền giống như những ứng dụng khác. Vì trước khi giao hàng Shipper phải ứng trước tiền cho ứng dụng, nên ứng dụng này chỉ thích hợp với những đơn hàng có giá trị nhỏ. Mặt khác do phải ứng trước tiền nên những Shipper này không thể ôm quá nhiều đơn hàng.

    15. GTruck: Cũng giống như những ứng dụng gọi xe tải chở hàng khác GTruck luôn phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi với một thái độ nhiệt tình nhất. Bên cạnh đó, khách hàng có thể dễ dàng quản lý vấn đề nhận và trả hàng của người mua. Tuy nhiên, mặt hạn chế của ứng dụng này là khi sử dụng khách hàng phải chịu phí thu hộ và các khoản phí khác ...

    16. ShipChung: là ứng dụng gọi xe tải chở hàng, có một hệ thống giao hàng tốt, uy tín và chất lượng. Ngoài ứng dụng ShipChung còn có hệ thống website hiện đại, luôn cập nhật những thông tin mới nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của ShipChung là khách hàng phải thanh toán trước mới được tạo đơn hàng. Ngoài ra, ứng dụng này là hệ thống vận chuyển trung gian nên có giá cao hơn so với những ứng dụng khác.

    Bài viết này có thể được cập nhật mà không thông báo trước với quý Bạn nha