TỔNG QUAN VÀ THỦ TỤC VỀ HOẠT ĐỘNG HÀNG HÓA KHO NGOẠI QUAN



  • TỔNG QUAN VÀ THỦ TỤC VỀ HOẠT ĐỘNG HÀNG HÓA KHO NGOẠI QUAN

    Định nghĩa Kho ngoại quan
    Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài, hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.

    Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau:

    Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
    Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, các khu kinh tế đặc biệt khác (sau đây viết là Khu công nghiệp).
    Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
    Một số thông tư, nghị định quy định về thủ tục, trình tự và phương pháp quản lý, giám sát hàng hóa thuộc kho ngoại quan:

    Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật Hải quan về Thủ tục Hải quan, Kiểm tra, Giám sát, Kiểm soát Hải quan
    Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03 năm 2015 quy định về thủ tục Hải quan, Kiểm tra giám sát hải quan; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
    Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại thông tư 38/2015/TT-BTC
    Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT
    Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 06 năm 2016 Quy định về Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản
    Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT
    Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2014 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
    Thông tư 20/2017/TT-BNTPTNN ngày 10 tháng 11 năm 2017 hướng dẫn thực hiện nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản
    Các hoạt động Kho ngoại quan
    Thuê kho ngoại quan
    Căn cứ điều 84 tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định như sau:

    Đối tượng thuê kho ngoại quan
    a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế;
    b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài.
    Hợp đồng thuê kho ngoại quan:
    a) Hợp đồng thuê kho ngoại quan do chủ kho ngoại quan và chủ hàng thỏa thuận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ hàng vừa là chủ kho ngoại quan;
    b) Thời hạn hiệu lực và thời hạn thuê kho ngoại quan do chủ hàng và chủ kho ngoại quan thỏa thuận trên hợp đồng thuê kho ngoại quan, nhưng không quá thời hạn hàng hóa được gửi kho ngoại quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan;
    c) Quá thời hạn thuê kho ngoại quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan nếu chủ hàng hóa hoặc người được chủ hàng hóa ủy quyền không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan hoặc trong thời hạn thuê kho ngoại quan nhưng chủ hàng hóa hoặc người được chủ hàng hóa ủy quyền có văn bản đề nghị thanh lý thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hóa gửi kho ngoại quan theo quy định của pháp luật.
    Dịch vụ trong kho ngoại quan
    Căn cứ điều 83 tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định như sau:

    Chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho chủ kho ngoại quan hoặc đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan:

    – Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép hàng hóa; phân loại phẩm cấp hàng hóa, bảo dưỡng hàng hóa.

    – Lấy mẫu hàng hóa để phục vụ công tác quản lý hoặc làm thủ tục hải quan.

    – Chuyển quyền sở hữu hàng hóa.

    – Riêng đối với kho ngoại quan chuyên dùng chứa hóa chất, xăng dầu, nếu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan được phép pha chế, chuyển đổi chủng loại hàng hóa.

    Hàng hóa gửi kho ngoại quan
    Căn cứ điều 85 tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định như sau:

    Hàng hóa từ Việt Nam đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, hàng hóa từ nước ngoài chờ làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba của các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan quy định tại Khoản 1 Điều 84 Nghị định này được đưa vào lưu giữ trong kho ngoại quan.
    Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan gồm:
    a) Hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam;
    b) Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba;
    c) Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba.
    Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm:
    a) Hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu;
    b) Hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất.
    Hàng hóa sau đây không được gửi kho ngoại quan:
    a) Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam;
    b) Hàng hóa gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường;
    c) Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
    Ngoài hàng hóa quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 4 Điều này, căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan.

    Chứng từ Kho ngoại quan
    Hồ sơ hàng nhập kho
    Căn cứ theo từng loại hàng hóa nhập vào kho ngoại quan và chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu thì sẽ có một bộ hồ sơ hải quan nhập kho riêng. Nhìn chung, một bộ hồ sơ gồm có:

    Hợp đồng thuê kho ngoại quan và phụ lục thuê kho
    Giấy ủy quyền , giấy giới thiệu
    Tờ khai hải quan và phiếu nhập kho
    Bill of Lading, Thông báo hàng đến, Lệnh giao hàng
    Giấy đăng ký kiểm dịch, Chứng nhận kiểm dịch, Chứng thư kiểm dịch
    Các chứng từ liên quan khác (nếu cần): Packing List, Invoice, Bảo hiểm,…
    Đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, loại hình tờ khai hải quan là C11. Còn đối với hàng hóa từ nội địa đưa vào Kho ngoại quan thì cần phải căn cứ theo loại hình xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa là loại hình nào thì sẽ áp dụng cho từng lô hàng.

    Hồ sơ hàng xuất kho
    Đối với hàng hóa đang được lưu trữ tại kho ngoại quan, để có thể xuất hàng hóa ra khỏi kho ngoại quan thì cần có một bộ hồ sơ đầy đủ như sau:

    Giấy ủy quyền, giấy giới thiệu
    Tờ khai hải quan
    Phiếu xuất kho
    Giấy chứng nhận kiểm dịch
    Các giấy tờ khác liên quan (nếu có)
    Đối với hàng hóa xuất ra khỏi kho ngoại quan, mọi thông tin về hàng hóa, mã HS, số lượng, hợp đồng thuê kho và một số thông tin khác bắt buộc phải được khai báo giống với nội dung đã khai báo trong tờ khai nhập kho ngoại quan

    Bên cạnh đó, loại hình của tờ khai xuất hàng ra khỏi kho ngoại quan cần dựa vào mục đích của từng doanh nghiệp sẽ có những loại hình phù hợp. Ví dụ:

    Hàng hóa từ Kho ngoại quan được chuyển lên các cửa khẩu, cảng biển hoặc kho CFS để phục vụ cho việc xuất khẩu lô hàng sang nước thứ 3 thì sẽ dùng tờ khai vận chuyển độc lập (OLA) để làm thủ tục hải quan
    Hàng hóa từ Kho ngoại quan đưa vào nội địa để phục vụ hoạt động kinh doanh thì có các loại hình A12, A11
    Hàng hóa từ Kho ngoạiq uan đưa vào khu công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì có loại hình E31, E21, E11, A41
    Một số loại hình khác nữa thì dựa theo mục đích từng doanh nghiệp sẽ các các loại hình tờ khai tương ứng
    Hồ sơ khác
    Trong quá trình lưu trữ hàng hóa tại Kho ngoại quan, các doanh nghiệp khi muốn thực hiện các tác nghiệp trong kho ngoại quan theo quy định đã nêu ở trên, doanh nghiệp kho ngoại quan hoặc chủ hàng phải có bộ hồ sơ xin được thực hiện các tác nghiệp đó bao gồm:

    Công văn xin thực hiện tác nghiệp tại Kho ngoại quan (Đã có xác nhận của lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý KNQ chỉ đạo Hải quan giám sát KNQ thực hiện)
    Biên bản xác nhận quá trình tác nghiệp hàng hóa trong kho ngoại quan
    Bên cạnh đó, hồ sơ Kho ngoại quan còn một số giấy tờ khác để phục vụ các mục đích của chủ hàng đang gửi hàng hóa trong kho ngoại quan khác như: Thủ tục chuyển hàng hóa từ Kho ngoại quan sang Kho ngoại quan khác, Thủ tục hàng hóa quay đầu từ cửa khẩu xuất về Kho ngoại quan; Thủ tục thu hồi, thanh lý hoặc tiêu hủy những lô hàng bị cưỡng chế theo quy định của Luật Hải quan;…

    Quy trình chung
    Hiện nay, Thành phố Hải Phòng đang là một trong các thành phố kinh tế trọng điểm và là cầu nối giao thương giữa nền kinh tế các vùng phía Bắc cũng như là nơi trung chuyển hàng hóa với thị trường kinh tế Trung Quốc.

    Bên cạnh đó, thị trường có vô số loại hàng hóa, doanh nghiệp có nhiều mục đích hoạt động kinh doanh khác nhau nên Phòng Kinh doanh CN Hải Phòng xin được nói sơ lược về các nội dung sau:

    – Quy trình chung về loại hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào kho ngoại quan và sẽ được xuất sang nước thứ ba.

    – Mặt hàng chính: Các sản phẩm về thịt, phụ phẩm, các loại hạt

    Quy trình làm thủ tục Hải quan nhập kho
    Để hoàn thành thủ tục nhập hàng hóa từ nước ngoài vào kho ngoại quan, các công việc chính cần phải làm cho loại hình và mặt hàng trên bao gồm:

    Thủ tục về Hãng tàu, Cảng bãi:
    Đối với bất kỳ lô hàng nào nhập khẩu từ nước ngoài, một bộ hồ sơ bao gồm cũng có Bill of Lading, Thông báo hàng đến để có thể xác nhận được các thông tin liên quan đến lô hàng vận chuyển quốc tế.

    Dựa theo các chứng từ đó, người làm thủ tục hãng tàu có thể kiểm tra thông tin lô hàng cũng như lập kế hoạch phù hợp cho lô hàng của công ty.

    Một số nội dung cơ bản liên quan đến hãng tàu như sau:

    • Lô hàng có phải là hàng hóa của công ty hay không

    • Lô hàng được vận chuyển bởi đơn vị nào

    • Thời gian lô hàng cập cảng nhập khẩu; địa điểm cảng nhập khẩu

    • Các chi phí của hãng tàu, cảng bãi của lô hàng

    • Thời gian miễn phi lưu container, lưu bãi của lô hàng

    Từ Bill of Lading,Thông báo hàng đến cùng với một số giới tờ liên quan khác, người làm thủ tục có trách nhiệm đến các đơn vị vận chuyển của lô hàng để làm thủ tục lấy Lệnh giao hàng, cược vỏ container cũng như lấy Bill of lading có xác nhận của hãng tàu.

    Sau đó, các giấy tờ này sẽ được scan và gửi lại cho các bộ phận liên quan đến lô hàng để làm các thủ tục liên quan.

    Đội ngũ làm thủ tục này không chỉ làm việc tại các đơn vị vận chuyển đường biển, đường hàng không mà còn phải làm các thủ tục dưới Cảng bãi nhập khẩu đổi lệnh kéo hàng về kho ngoại quan sau khi đội thủ tục hải quan đã xử lý có chỉ thị cho phép đưa hàng hóa về Kho ngoại quan.

    Thủ tục đổi lệnh cần có các chứng từ:

    Biên bản bàn giao Hải quan
    Tờ khai nhập kho ngoại quan đã được cấp phép kéo hàng về kho
    Danh sách mã vạch hàng hóa nhập khẩu
    Lệnh giao hàng, Bill of Lading, Giấy cược container
    Các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
    Ngoài ra, thủ tục Hãng tàu, Cảng bãi còn phải làm các thủ tục về việc sửa đổi manifest của lô hàng nhập khẩu, từ chối nhận hàng cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến các lô hàng gặp vấn đề với các đơn vị hãng tàu, cảng bãi

    Thủ tục về Kiểm dịch
    Căn cứ theo luật Hải quan, hàng hóa gửi Kho ngoại quan là hàng hóa được chuyển khẩu từ cửa khẩu nhập khẩu về tới Kho ngoại quan; hàng hóa được bảo giảm, kiểm tra giám sát bởi Kho ngoại quan và Hải quan giám sát Kho ngoại quan. Do đó, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu đưa vào Kho ngoại quan chưa phải làm các thủ tục kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu.

    Tuy nhiên, căn cứ Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT; Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT; Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT thì các mặt hàng nhập kho ngoại quan thuộc diện quản lý được ghi chi tiết trong danh mục hàng hóa cần phải tiến hành làm thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu nhập khẩu bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch.

    Một bộ hồ sơ kiểm dịch bao gồm:

    Chứng nhận kiểm dịch (Phytosanitary Certificate)
    Bill of Lading, Lệnh giao hàng
    Giấy đăng ký kiểm dịch
    Giấy phép nhập khẩu
    Hiện nay, thủ tục đăng ký kiểm dịch có thể thực hiện trên website Cổng thông tin một cửa quốc gia nên đã tạo thuận lợi cho hoạt động đăng ký kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu.

    Hàng hóa nhập khẩu vào Kho ngoại quan sau khi được đưa về Kho ngoại quan, Chi cục chịu trách nhiệm kiểm dịch (nơi doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký kiểm dịch) sẽ có trách nhiệm kiểm tra tình trạng lô hàng nhập khẩu và sẽ cùng làm việc với Hải quan giám sát Kho ngoại quan, Kho ngoại quan và doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành làm thủ tục lấy mẫu phục vụ quá trình kiểm dịch.

    Sau khi có kết quả kiểm dịch, Chi cục kiểm dịch sẽ ra chứng thư cho hàng hóa nhập khẩu vào Kho ngoại quan hoặc sẽ ra các thông báo yêu cầu tái xuất, tiêu hủy nếu hàng hóa có dấu hiệu mang theo dịch bệnh.

    Thủ tục Hải quan
    Thủ tục Hải quan là một trong các khâu quan trọng vì đây là khâu làm việc trực tiếp với Chi cục Hải quan quản lý Kho ngoại quan. Mọi hồ sơ hàng hóa nhập khẩu đưa vào Kho ngoại quan bắt buộc phải làm thủ tục tại Chi cục Hải quan này và chỉ được phép đưa hàng về Kho ngoại quan sau khi có chỉ thị của Cơ quan Hải quan.

    Một bộ hồ sơ Hải quan cơ bản bao gồm:

    Tờ khai Hải quan
    Giấy phép nhập khẩu, Giấy giới thiệu
    Giấy đăng ký kiểm dịch
    Bill of Lading, Thông báo Hàng đến
    Lệnh giao hàng, Manifest
    Các giấy tờ khác liên quan (nếu có)
    Mỗi một lô hàng nhập khẩu sẽ yêu cầu phải đầy đủ các Giấy tờ theo quy định của Luật Hải quan. Đội thủ tục Hải quan Kho ngoại quan thuộc Chi cục Hải quan quản lý Kho ngoại quan có trách nhiệm kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ Hải quan nhập khẩu và sẽ đề xuất lãnh đạo Chi cục Hải quan cho phép hàng hóa được phép đưa về kho ngoại quan nếu hồ sơ hợp lệ và không phát hiện nghi vấn.

    Tuy nhiên, có những tờ khai Luồng Đỏ phải tiến hành phải kiểm tra thực tế hàng hóa bằng máy soi hoặc kiểm tra hàng hóa thực tế bởi Hải quan giám sát thì Đội Hải quan thủ tục sẽ làm đề xuất kiểm hóa lô hàng và sẽ được lãnh đạo Chi cục Hải quan phân loại hình kiểm tra.

    Những lô hàng nhập khẩu có tờ khai Luồng Đỏ bắt buộc phải tiến hành thủ tục kiểm tra hàng hóa thực tế theo quy định Luật Hải quan. Hàng hóa nhập khẩu chỉ được phép đưa hàng hóa về Kho ngoại quan sau khi hàng hóa nhập khẩu được kiểm tra thực tế mà không phát hiện nghi vấn bởi Hải quan giám sát.

    Thủ tục Kho ngoại quan
    Hàng hóa nhập khẩu khi được chuyển khẩu từ Cửa khẩu nhập khẩu về tới Kho ngoại quan, hàng hóa bắt buộc phải đưa vào đúng khu vực hàng hóa Kho ngoại quan của doanh nghiệp kinh doanh Kho ngoại quan.

    Bởi vì, hàng hóa gửi Kho ngoại quan bắt buộc phải được theo dõi bởi:

    Hải quan giám sát Kho ngoại quan
    Kho ngoại quan
    Phần mềm quản lý hàng hóa Kho ngoại quan
    Hệ thống camera giám sát của Kho ngoại quan
    Khi hàng hóa về đến Kho ngoại quan, Đội thủ tục Kho ngoại quan có trách nhiệm cùng phối kết hợp với Hải quan giám sát Kho ngoại quan tiến hành tổng hợp, kiểm tra toàn bộ chứng từ hàng hóa của lô hàng nhập kho ngoại quan cũng như kiểm tra lại tình trạng niêm phong của lô hàng (số container, số seal hãng tàu, số seal Hải quan bàn giao từ Cửa khẩu nhập khẩu về kho ngoại quan).

    Khi mọi thông tin đều đúng, hàng hóa gửi kho sẽ được để vào vị trí kho ngoại quan quy định và đội thủ tục Kho ngoại quan có trách nhiệm nhập vào hệ thống phần mềm Kho ngoại quan cho lô hàng nhập kho để Hải quan giám sát kho có thể xác nhận Get-in hàng hóa nhập kho ngoại quan và phê duyệt trên hệ thống Hải quan xác nhận hàng hóa đã về kho.

    Trong suốt quá trình hàng hóa được lưu trữ tại Kho ngoại quan, đội thủ tục Kho ngoại quan có trách nhiệm giám sát, lưu trữ và nhập toàn bộ dữ liệu về lịch sử lô hàng gửi kho ngoại quan. Bất kỳ tác nghiệp nào cho lô hàng như: sang container, lấy mẫu kiểm dịch, tác nghiệp gia cố hàng hóa,… sẽ được lập biên bản xác nhận cùng với Hải quan giám sát Kho ngoại quan và ghi nhận vào hệ thống phần mềm quản lý kho ngoại quan.

    Yêu cầu: Toàn bộ tác nghiệp đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan bắt buộc phải được thực hiện trong khu vực Kho ngoại quan và được giám sát bởi Hải quan giám sát Kho ngoại quan cùng các bên liên quan.

    Hàng tháng, hàng năm, Đội thủ tục Kho ngoại quan có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo tình trạng hàng hóa gửi Kho ngoại quan cho Chi cục Hải quan quản lý Kho ngoại quan.

    Quy trình hàng xuất kho
    Đối với những hàng hóa xuất khỏi kho ngoại quan cũng cần phải một đội hình nhân sự để xử lý công việc như làm thủ tục hàng hóa nhập kho ngoại quan. Cụ thể như sau:

    Thủ tục Hãng tàu, Cảng biển
    Đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan khi có nhu cầu xuất sang nước thứ 3 theo đường biển, thì trước khi có thể làm thủ tục xuất hàng ra khỏi kho thì bộ phần làm thủ tục Hãng tàu, Cảng biển có trách nhiệm tiến hành việc kiểm tra tuyến đường xuất khẩu và book chuyến tàu cho lô hàng xuất khẩu theo kế hoạch.

    Dựa theo Booking Order của hãng tàu, bộ phận này sẽ phải tiến hành làm các thủ tục với hãng tàu về việc xin lệnh cấp vỏ container, lấy seal hãng tàu và làm một số thủ tục khác với hãng tàu.

    Đồng thời, bộ phận này có trách nhiệm phải làm việc với Cảng bãi để có thể lấy được đúng vỏ container được hãng tàu cấp hoặc phải làm việc với Cảng bãi để có thể cấp vỏ container phù hợp.

    Quan trọng nhất của công việc đó là việc kiểm tra chất lượng container, tình trạng container và đảm bảo có thể kịp kéo vỏ container về làm kế hoạch xuất tàu.

    Không những vậy, sau khi các bộ phận khác hoàn thành xong thủ tục xuất hàng ra khỏi kho ngoại quan, bộ phận thủ tục Hãng tàu, Cảng bãi phải có trách nhiệm làm việc với Bộ phận Cảng bãi và Hải quan giám sát dưới Cảng xuất để xác nhận hàng hóa thực xuất. Cuối cùng, bộ phận này có trách nhiệm nộp các chứng từ để đảm bảo hàng hóa có thể xuất theo đúng kế hoạch đề ra.

    Thủ tục kiểm dịch
    Đối với hàng hóa thuộc diện phải làm kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu, khi hàng xuất ra khỏi kho ngoại quan được bàn giao từ Chi cục kiểm dịch này sang Chi cục kiểm dịch khác hoặc hàng hóa được xuất sang nước thứ ba thì để có thể xuất hàng hóa ra khỏi kho ngoại quan bắt buộc cần phải có chứng thư kiểm dịch của Chi cục kiểm dịch quản lý.

    Do hàng hóa đã được kiểm dịch từ trước nên những lô hàng này khi làm thủ tục xin chứng thư kiểm dịch sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

    Đội thủ tục kiểm dịch phải tiến hành khai rõ ràng các thông tin lô hàng, tuyến đường vận chuyển của hàng hóa từ kho ngoại quan sẽ đi đâu để Chi cục kiểm dịch có thể kiểm tra và xác nhận cũng như bàn giao cho đúng địa chỉ mà Đội thủ tục kiểm dịch đã khai báo.

    Thủ tục Hải quan
    Đối với thủ tục hải quan cho những lô hàng xuất ra khỏi kho ngoại quan thì đội thủ tục Hải quan phải căn cứ vào kế hoạch cũng như mục đích của lô hàng để đưa ra các phương án làm thủ tục hợp lý. Ví dụ:

    Hàng hóa được xuất khẩu sang nước thứ ba, thủ tục Hải quan cần phải làm thủ tục cho tờ khai vận chuyển OLA để xin xác nhận được bàn giao hàng hóa từ Kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất khẩu
    Hàng hóa được nhập vào nội địa thì thủ tục Hải quan cần phải làm tờ khai nhập kinh doanh phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh
    Hàng hóa được chuyển từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác, đội thủ tục hải quan phải làm thủ tục xin xác nhận của Cục Hải quan (Cục Trưởng hoặc Lãnh đạo Phòng giám sát quản lý) quản lý Chi cục Hải quan và Kho ngoại quan cho phép chuyển hàng hóa từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Kho ngoại quan nhận hàng để làm thủ tục nhập hàng vào Kho ngoại quan bên họ theo loại hình C11.

    Như vậy, căn cứ vào từng loại hình, đội thủ tục Hải quan phải có những phương án phù hợp để đạt được kế hoạch đề ra.

    Thủ tục Kho ngoại quan
    Tương tự như thủ tục nhập hàng vào kho ngoại quan, khi Đội thủ tục Kho ngoại quan nhận được kế hoạch hàng hóa xuất ra khỏi kho ngoại quan, bộ phận này có trách nhiệm tổng hợp các hồ sơ hải quan, hồ sơ kiểm dịch để cùng phối hợp với Hải quan giám sát Kho ngoại quan kiểm tra các nội dung của bộ hồ sơ xuất hàng ra khỏi kho ngoại quan.

    Sau khi kiểm tra toàn bộ hồ sơ, Hải quan giám sát kho ngoại quan cùng kết hợp với Bộ phần này làm các thủ tục như sau:

    Nhập các dữ liệu của bộ hồ sơ xuất kho vào phần mềm quản lý của Kho ngoại quan
    Tiến hành thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa tại Kho ngoại quan, niêm phong chì Hải quan (nếu có)
    Hải quan giám sát Kho ngoại quan tiến hành làm công việc xác nhận thực xuất hàng hóa trên hệ thống của Hải quan.
    Sau khi thủ tục xuất hàng ra khỏi kho ngoại quan hoàn tất, bộ phận sẽ yêu cầu hàng hóa sẽ phải đi ra khỏi kho ngoại quan theo lối ra quy định để tránh các vấn đề phát sinh không đáng có xảy ra.

    Hàng tháng, hàng năm, Đội thủ tục Kho ngoại quan có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo tình trạng hàng hóa gửi Kho ngoại quan cho Chi cục Hải quan quản lý Kho ngoại quan.

    Như nội dung trên đây đã nói nên các nội dung tổng quan cũng như quy trình thủ tục làm hàng hóa xuất nhập kho ngoại quan cho một số mặt hàng.

    Xin trân trọng cảm ơn!


Hãy đăng nhập để trả lời