CY Và CFS Khác Nhau Như Thế Nào?



  • Trong lĩnh vực XNK & Logistics, có 2 thuật ngữ mà dân XNK (chủ hàng) và FWD cần hiểu & phân biệt rõ, đó là Bãi Cont (CY – Container Yard) và Bãi khai thác hàng lẻ (CFS – Container Freight Station).

    Có lẽ đây là hai trong những thuật ngữ chuyên ngành mà nhiều đồng chí Xuất nhập khẩu, Logistics, Forwarding, Shipping tiếp xúc hàng ngày trong công việc nhưng lại chưa chắc đã hiểu rõ về nó. Ngành giao nhận vận tải biển có rất nhiều thuật ngữ và ký hiệu viết tắt khi mới nghe hoặc nhìn có vẻ rất giống nhau nhưng thực tế bản chất lại rất khác nhau, yêu cầu một mức độ kiến thức chuyên ngành nhất định để sử dụng những thuật ngữ này đúng mục đích công việc.

    CY hay Container Yard: Bãi Container là khu vực trong cảng biển hoặc cảng cạn để chứa các Container FCL được dỡ từ tàu chở hàng xuống hoặc để các Container trước khi đưa lên tàu.

    Với lô hàng CY/CY, Người gửi hàng/ chủ hàng (Shipper) sẽ kéo Container hàng về hạ tại bãi được Hãng tàu chỉ định (trên Booking confirmation). Hãng tàu chịu trách nhiệm với Container hàng này từ khi nó được hạ tại bãi thuộc cảng xếp hàng (POL), sẵn sàng để bốc lên tàu cho đến khi được dỡ xuống bãi Container chỉ định tại cảng dỡ hàng (POD). Người nhận hàng/ chủ hàng (Consignee) sẽ làm thủ tục nhập khẩu, lấy và kéo Container hàng khỏi bãi về kho hàng của họ.

    Liên quan đến ký hiệu CY/CY, chữ CY đầu tiên để chỉ bãi Container tại cảng xếp hàng (POL), nơi Hãng tàu bắt đầu chịu trách nhiệm đối với Container hàng. Chữ CY thứ hai để chỉ bãi Container tại cảng dỡ hàng (POD) nơi Hãng tàu hết trách nhiệm khi hoàn thành việc chuyên chở và dỡ Container đến bãi đó.

    Dựa trên hợp đồng vận chuyển với khách hàng và cảng vụ, một số hãng tàu có thể để tên của cảng xếp hàng và/ hoặc cảng dỡ hàng trên vận đơn đường biển trước ký hiệu CY, ví dụ, Hamburg CY để làm rõ ràng hơn trách nhiệm & nghĩa vụ của họ bắt đầu & kết thúc tại một bãi Container đích danh & cụ thể.

    CFS hay Container Freight Station: Bãi khai thác hàng lẻ – là hệ thống kho bãi nơi các lô hàng LCL của các chủ hàng (DN Xuất khẩu hoặc nhập khẩu) khác nhau được gom lại (consolidated/ grouped) trước khi được xuất khẩu hoặc chia lẻ (deconsolidated/ degrouped) sau khi nhập khẩu.

    Tùy theo lô hàng lẻ sử dụng dịch vụ gom hàng của Hãng tàu hay Người gom hàng lẻ, nghiệp vụ sẽ khác nhau, cụ thể:

    Với lô hàng mà chủ hàng thuê Hãng tàu cung cấp dịch vụ gom hàng lẻ, sẽ có rất nhiều chủ hàng, hãng tàu sẽ phát hành vận đơn chủ (Master Bill of Lading) trực tiếp cho những chủ hàng này. Trên vận đơn sẽ thể hiện điều kiện giao là CFS/ CFS. Tức trách nhiệm của hãng tàu bắt đầu tại bãi CFS tại cảng xếp hàng và kết thúc ở bãi CFS tại cảng dỡ hàng.

    Với lô hàng mà chủ hàng thuê người gom hàng lẻ, vận đơn được người gom hàng lẻ phát hành cho chủ hàng là vận đơn nhà (House Bill of Lading). Trên vận đơn cũng thể hiện điều kiện giao hàng là CFS/ CFS. Tức trách nhiệm của người gom hàng lẻ bắt đầu tại bãi CFS tại cảng xếp hàng và kết thúc ở bãi CFS tại cảng dỡ hàng. Trong trường hợp này, Hãng tàu sẽ phát hành vận đơn chủ cho người gom hàng lẻ, với điều kiện giao hàng là CY/CY.

    Q1: Tại sao chỉ vài quốc gia nhất định cùng hãng tàu đó hoặc hãng tàu khác lại có dịch vụ hàng lẻ còn các quốc gia khác thì không?

    A1: Điều này tùy thuộc vào nhu cầu, tiềm năng thị trường và chiến lược phát triển kinh doanh của mỗi hãng tàu tại khu vực, quốc gia đó. Tùy từng quốc gia, khu vực mà hãng tàu có service hoặc không… như ở Việt Nam mình thì các hãng tàu ko cung cấp mà chủ hàng nếu có nhu cầu thì sẽ sử dụng qua các công ty FWD chuyên dịch vụ gom hàng LCL như CPW hay Interlog, KMG…

    Q2: Ví dụ về một số quốc gia mà hãng tàu có service?

    A2: Hapag Lloyd (HAL) là hãng tàu Container của Đức lớn thứ 4 thế giới (sau khi xác nhập với CSAV). Tuy là hãng tàu thuộc khối liên minh Châu Âu nhưng HAL lại không cung cấp dịch vụ gom hàng LCL tại các quốc gia EU. Thay vào đó, HAL lại cung cấp dịch vụ này ở các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan…

    (Nguồn: Cong Hoa's Blog)