Giải pháp nào rút ngắn thời gian giao hàng ? (Delivery lead time solutions)



  • Chủ đề này được ông Khiêm Trần đề cập tại số 10/2012 của tạp chí Vietnam Supply Chain Insight, cụ thể đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Câu hỏi này hiện nay không còn mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên tính thời sự của nó không hề giảm đi. Xin lược trích những ý tưởng “bật mí” cho câu trả lời trong bài viết ấy.

    Thời gian giao hàng đóng vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong tổng thời gian cung ứng (supply chain lead time). Trong phạm vi bài viết, tác giả đưa ra giải pháp rút ngắn thời gian cung ứng bằng cách tập trung vào giao đoạn rút ngắn thời gian giao hàng.

    Vì sao cần rút ngắn thời gian cung ứng?

    Rút ngắn thời gian cung ứng có thể giúp đem lại các lợi ích sau đây, trong điều kiện các yếu tố đầu vào không (hoặc ít) thay đổi:

    Với người tiêu dùng, hàng hóa luôn sẵn sàng tại quầy kệ của các điểm bán lẻ, thuận tiện cho nhu cầu tiêu dùng. Điều này cũng giúp phục vụ mục tiêu giữ vững thị phần của nhà sản xuất trên thị trường.
    Với nhà phân phối, khối lượng tồn kho giảm xuống do khả năng cung ứng nhanh hơn. Từ đây, chi phí tài chính sẽ được nâng cao hiệu quả, giúp đóng góp vào lợi nhuận cho nhà phân phối.
    Với nhà sản xuất, lượng đặt hàng từ nhà phân phối sẽ ổn định và liên tục (do nhà phân phối có thể yên tâm đặt lượng hàng với khối lượng nhỏ), giúp việc hoạch định đầu vào thuận lợi hơn.
    Nhận thức được lợi ích của rút ngắn supply chain lead time, nhà quản trị đi tìm những vị trí có tiềm năng rút ngắn thời gian thực hiện công việc. Phân tích trên góc độ chuỗi cung ứng, ta có thể hình dung lead time của chuỗi cung ứng là tổng thời gian thực hiện ở những vị trí được đánh số như sau:

    (Từ (1) đến (6) là Chiều đi của nguyên vật liệu – thành phẩm (physical flow)

    Từ giai đoạn (4) trở về trước, nhà sản xuất có sự chủ động trong việc giảm lead time. Một số giải pháp đã được nêu trong VSCI như thỏa thuận chiến lược với nhà cung cấp về thời gian giao hàng, thiết kế vị trí để nguyên vật liệu và xưởng nhằm tối ưu hóa thời gian sản xuất, cải tiến máy móc để tăng năng suất, quản trị nhà kho của nhà sản xuất bằng các phương tiện hiện đại, vâng vâng. Tuy nhiên, từ giai đoạn (5) trở đi đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ thông tin rất lớn giữa nhà sản xuất và nhà phân phối bởi thực tế còn nhiều vấn đề khó khăn như hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, quy định giới hạn giờ hoạt động của xe tải trong các khu vực nội thành của các thành phố trong khi đây là nơi chiếm lượng lớn các nhà bán lẻ và nhà phân phối, hạn chế về năng lực của một số nhà phân phối (chẳng hạn như khả năng nhận hàng chậm, khả năng luân chuyển nguồn vốn để sẵn sàng đặt hàng, khả năng quản l‎ý tồn kho).

    Bài viết chủ yếu tập trung vào vấn đề “Làm thế nào để rút ngắn thời gian giao hàng từ nhà sản xuất đến nhà phân phối?” bằng cách mô tả tình huống nghiên cứu đã được một công ty FMCG hàng đầu Việt Nam triển khai thí điểm tại miền Tây Nam Bộ và sau đó được nhân rộng lên quy mô cả nước. Nhà sản xuất này có một tổng kho ở Bình Dương và lời giải rút ngắn thời gian giao hàng cho các nhà phân phối khắp cả nước chính là xây dựng “kho trung gian”. Sơ lược về mô hình đặt hàng mới như sau:

    Xây dựng các kho trung gian đặt tại các tỉnh ở vị trí “ngã ba” trên quốc lộ (ví dụ Vĩnh Long là ngã ba để dẫn đến Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh; Cần Thơ ở vị trí ngã ba để dẫn đến Sóc Trăng, Kiên Giang). Các kho trung gian sẽ nhận hàng chuyển từ Bình Dương bằng xe tải lớn ngay trong đêm của ngày đặt hàng, sau đó, phân theo các đơn hàng của các chi nhánh.
    Trong ngày tiếp theo, từ kho trung gian, các xe tải nhỏ sẽ lấy hàng theo đơn hàng của một số chi nhánh và tiến hành đi giao trong ngày. Mỗi xe sẽ đảm bảo giao hàng cho khoảng 3-5 chi nhánh

    Như vậy, thời gian giao hàng đã được giảm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày. Chi phí đầu tư ban đầu cho kho trung gian không quá lớn do không đòi hỏi quá nhiều về tiêu chuẩn chất lượng.

    Kết quả của thí điểm:Dự án nói trên đã được nghiên cứu và triển khai chỉ trong vòng 6 tháng. Nhóm dự án đã đạt được những kết quả ấn tượng:

    Đảm bảo chất lượng giao hàng trong khu vực miền Tây nam bộ – không có đơn hàng nào giao thiếu và giao trễ
    Tồn kho của nhà phân phối/chi nhánh nhà phân phối giảm còn 1-2 ngày (gần 50% so với trước đó)
    Nhà sản xuất có khả năng linh hoạt đáp ứng kịp thời biến động nhu cầu thị trường
    Tình huống thực tế từ công ty FMCG trên đây là một ví dụ điển hình cho bài toán rút ngắn thời gian cung ứng của các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh nói riêng và cho các doanh nghiệp nói chung muốn rút ngắn thời gian cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng.
    http://vlhl.vn/


Hãy đăng nhập để trả lời