Thủ tục nhập khẩu hàng mỹ phẩm



  • Theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế : Quy định về quản lý mỹ phẩm thì các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.

    Như vậy, quy trình để mỹ phẩm nhập khẩu được lưu hành tại Việt Nam gồm 2 bước: làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại cơ quan Hải quan; bước tiếp theo là làm thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm. Cụ thể:

    Bước 1: : Làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại cơ quan Hải quan Theo Điều 22 Luật Hải quan năm 2001, Luật hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005, hồ sơ hải quan có thể là hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử, bao gồm:

    Tờ khai hải quan;
    Hoá đơn thương mại;
    Hợp đồng mua bán hàng hoá;
    Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhập khẩu hàng hóa mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;
    Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với mặt hàng mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan.
    Trình tự, thủ tục hải quan được thực hiện theo Điều 16 Luật Hải quan năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2005 như sau:
    Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp, xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; trong trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan được khai và gửi hồ sơ hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của Hải quan;
    Đưa hàng hóa đến địa điểm được quy định cho việc kiểm tra thực tế;
    Nộp thuế nhập khẩu. Ngoài ra, bạn còn phải nộp thuế GTGT cho mặt hàng nhập khẩu. Để đáp ứng những tiêu chuẩn cho phép nhập khẩu một mặt hàng, bạn phải đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu, nghĩa vụ của người nhập khẩu quy định tại Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, các qui định liên quan đến quản lý nhập khẩu mỹ phẩm tại điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

    Bước 2: Làm thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm
    Để mỹ phẩm được lưu hành tại Việt Nam, tức đưa mỹ phẩm ra thị trường thì bạn cần làm thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm bằng cách lập 01 bộ hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm gửi tới Cục Quản lý dược- Bộ Y tế.
    Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm bao gồm quy định tại Điều 4 Thông tư trên gồm các tài liệu sau:

    Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
    Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ);

    Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất).

    Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.

    Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:

    a) CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
    b) CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.