Tôi học Nho



  • Tôi học Nho

    Bài thơ sau khiến tôi tìm đến Nho:

    "Muốn minh chơn lý phải dùng Nho

    Máy tạo huyền vi chẳng dễ mò

    Học đạo thiếu văn thuyền chích lái

    Cũng nên tìm kiếm một đôi pho "

    Học Nho để học Đạo Quân tử. Quân tử là hình mẫu lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Quân tử tu dưỡng cả đời để đạt đức Nhân. Để đạt Nhân thì người quân tử phải trọng đức, hiểu mệnh trời và sống theo mệnh trời.

    Mà Quân tử thì tinh thông Lục nghệ : (gồm: “Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số” – tức: Lễ nghi, nhạc lý, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ, toán học)

    Chẳng phải ngẫu nhiên mà lại có câu : Tiên học Lễ hậu học Văn là vậy.

    Và các giai đoạn của người quân tử là như sau, hãy xem Khổng Tử viết:

    Tử viết: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”.

    Nghĩa là:

    15 tuổi bắt đầu học từ sớm, để chí vào việc học Đạo

    30 tuổi biết tự đặt mục tiêu cho cuộc đời, gọi là: lập đức (sống theo tiêu chuẩn đạo đức), lập ngôn (lưu lại tư tưởng cho đời sau) và lập công (thành công trong sự nghiệp).

    40 tuổi đạt trí huệ lớn, trong lòng không còn nghi hoặc gì nữa.

    50 tuổi hiểu được mệnh trời, làm việc thuận tự nhiên, không truy cầu.

    60 tuổi tâm thanh tĩnh giữa thị phi, nghe điều gì cũng không động tâm mà sinh phiền não.

    70 tuổi làm chủ hoàn toàn tâm thân, tự do hành xử theo ý chí của mình mà không vượt ra ngoài lễ giáo.

    Vậy dựa vào đó để biết được nên làm như thế nào ở những giai đoạn nào?

    Người quân tử muốn đạt thành tựu thì phải luôn rèn luyện tài năng và đức độ của bản thân. Theo Nho giáo dạy, có 8 mức độ mà người quân tử phải luôn nỗ lực đạt đến để có thể thành Nhân. Đó là: “Cách vật trí tri, thành ý chính tâm, tu thân tề gia, trị quốc bình thiên hạ”.

    “Cách vật trí tri”: ‘Cách’ là phương thức, ‘vật’ là vạn sự vạn vật trong trời đất, ‘trí tri’ là hiểu biết đến nơi đến chốn. Suy ra câu này nghĩa là người quân tử phải luôn tìm hiểu nghiên cứu mọi sự trên đời để có tri thức tường tận. Có thể đạt đến “nhất dĩ quán chi”, thông tỏ từ việc nhỏ đến việc lớn nhờ minh tỏ nguyên lý vận hành của vạn sự vạn vật, từ đó mà thấu hiểu nhiều điều.

    “Thành ý chính tâm”: Sau khi “Cách vật trí tri” đạt đến trí tuệ thông suốt, thì sẽ rèn luyện để đạt đến “thành ý chính tâm”. Vì trí tuệ lớn, hiểu được mọi sự đều bắt nguồn từ bản thân, sâu hơn là từ mỗi ý niệm của mình, nên người quân tử luôn giữ ý niệm chân thật, không dối người và cũng không dối mình. Thành thật với trời đất, thành kính trong từng tư từng niệm mọi lúc mọi nơi, đồng thời chính được tâm của mình.

    “Tu thân tề gia”: Tu thân là tu bản thân đạt đến thành ý chính tâm. Đạo đức của tự thân vô cùng tốt đẹp sẽ làm ảnh hưởng đến toàn gia tộc, làm cho gia tộc tốt đẹp, có nề nếp, gia phong. Toàn thể gia tộc đều tu thân thì đó chính là tề gia.

    “Trị quốc bình thiên hạ”: Vì nhà là gốc của nước, tất cả mọi nhà trong nước đều tề gia, thì quốc gia đó sẽ được trị. Quốc gia nào được trị thì uy đức của nó sẽ to lớn ảnh hưởng đến tất cả quốc gia khác đều học theo, làm theo. Toàn thể các quốc gia đều thịnh trị thì thiên hạ sẽ thái bình.

    Kim ngôn như vậy. Đơn giản mà sâu sắc.

    Học và Hành là ở nơi ta. Mọi thứ đã có sẵn ...