9 TIÊU CHÍ TUYỂN CHỌN NHÀ PHÂN PHỐI



  • Mạng lưới nhà phân phối hoặc tổng đại lý chính là cánh tay chính là cánh tay nối dài, giúp sản phẩm được bao trùm rộng khắp các địa bàn,.... Tuy nhiên, khi hàng được bán cho nhà phân phối, quyền sở hữu và định đoạt giá cả sản phẩm đã được sang tay thì việc hướng dẫn và kiểm soát tốt mọi hoạt động của nhà phân phối thực sự không dễ dàng. Vì vậy, nhà sản xuất cần cân nhắc kỹ 9 yếu tố dưới đây để lựa chọn nhà phân phối phù hợp và hiệu quả nhất.

    KHÔNG MÂU THUẪN QUYỀN LỢI
    Lý tưởng nhất là tuyển chọn được nhà phân phối độc quyền, chỉ tập trung kinh doanh sản phẩm cho riêng một nhà sản xuất. Nếu không thiết lập được nhà phân phối độc quyền, nhà sản xuất có thể chấp nhận để nhà phân phối kinh doanh những sản phẩm khác, miễn không phải là của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình.

    KHẢ NĂNG VỀ TÀI CHÍNH
    Nhà phân phối cần phải có khả năng tài chính đủ để đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho hàng hoá ,công nợ trên thị trường và các trang thiết bị phục vụ cho việc phân phối như kho bãi, phương tiện vận tải, máy móc quản lý…

    KINH NGHIỆM PHÂN PHỐI
    Tốt nhất, nhà sản xuất nên chọn các nhà phân phối đã có kinh nghiệm kinh doanh hoặc phân phối hang hoá trong cùng lĩnh vực với mình. Kiến thức và các mối quan hệ với hệ thống phân phối hàng, với hệ thống quản lý của địa phương là thế mạnh của nhà phân phối mà nhà sản xuất cần tận dụng và dựa vào.

    BỘ PHẬN PHÂN PHỐI ĐỘC LẬP
    Khi nhà sản xuất hỗ trợ lương và tiền thưởng cho nhân viên bán hàng, nhất thiết nhà phân phối phải có bộ phận bán hàng riêng biệt, chỉ phục vụ cho lợi ích của nhà sản xuất. Việc quản lý và sử dụng kho bãi có thể chung với các mặt hàngcủa các công ty khác, nhưng công việc phân phối phải riêng biệt. Bộ phận phân phối này phải được theo dõi bằng hệ thống quản lý và báo cáo riêng.

    KHẢ NĂNG HẬU CẦN
    Nhà phân phối phải thiết lập được hệ thống giao nhận từ các kho của mình đến tất cả những cửa hàng trong khu vực được chỉ định. Hàng hoá phải được giao theo đúng thời hạn quy định. Một số nhà sản xuất còn có thể yêu cầu nhà phân phối phải có khả năng chuyên chở hang hoá từ kho của nhà sản xuất.

    KHO CHỨA HÀNG
    Nhà phân phối phải có đủ chỗ để chứa hàng, bảo đảm không để thiếu hụt hay thất thoát hàng trong bất kỳ trường hợp nào. Độ lớn của kho hàng phụ thuộc vào tốc độ luôn chuyển của hàng hoá, tần suất đặt hàng của nhà phân phối với công ty sản xuất và thời gian giao hàng.

    KHẢ NĂNG QUẢN LÝ
    Nhà phân phối phải điều hành, quản lý được các bộ phận hỗ trợ cho phân phối như: kế toán, hậu cần, tin học… một cách nhịp nhàng và đồng bộ. Nhà phân phối cũng cần phải có hệ thống thông tin và tin học quản lý đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất về phương thức đặt hàng, các loại số liệu báo cáo bán hàng và tồn kho.

    TƯ CÁCH PHÁP NHÂN
    Nhà phân phối phải là một pháp nhân theo Luật pháp Việt Nam, có chức năng phân phối hàng hoá. Đối với các mặt hàng kinh doanh đặc biệt, có quy định riêng của Nhà nước, nhà phân phối còn phải đáp ứng đủ các yêu cầu hoặc quy định này.

    SỰ NHIỆT TÌNH, TINH THẦN HỢP TÁC
    Sự nhiệt tình và tinh thần hợp tác trong việc triển khai mọi chính sách phân phối của nhà sản xuất cũng là một tiêu chí chọn lựa quan trọng mà các nhà sản xuất đều quan tâm trong quá trình xây dựng hệ thống phân phối.