Mô hình chuỗi cung ứng năm 2016



  • Từ sau hội nghị về biến đổi khí hậu ở Bali – Indonesia năm 2007, Ủy ban sáng kiến thương mại toàn cầu đã khởi xướng các nghiên cứu để ứng phó với những thách thức của tương lai. Lãnh đạo của 24 tập đoàn về bán lẻ và hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới (như P&G, Unilever, Nestle, Colgate-Palmolive, Philips, Metro, Wal-mart…) cùng công ty tư vấn Capgemini đã cùng tham gia vào dự án «Chuỗi cung ứng năm 2016» để thảo luận, chia sẻ thông tin và đề ra các giải pháp mang tính đột phá cho chuỗi cung ứng trong tương lai. Mô hình của chuỗi cung ứng tương lai được mô tả trong hình dưới.
    Hình 1 : Mô hình chuỗi cung ứng năm 2016
    Những đặc điểm chính của chuỗi cung ứng tương lai như sau :
    · Thông tin về nhu cầu tiêu dùng sẽ được chia sẻ rộng rãi giữa các thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng: người tiêu dùng (tín hiệu tiêu dùng phát đi từ nhà hoặc từ cửa hiệu bán lẻ), nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ logistics và nhà bán lẻ.
    · Sau khi được sản xuất, hàng hóa sẽ được chuyển đến các nhà kho chung (nhiều nhà sản xuất cùng sử dụng chung một nhà kho).
    · Các phương tiện vận chuyển chung sẽ chuyển hàng từ nhà kho chung nói trên đến các trung tâm phân phối chung cho cả một thành phố hoặc các vùng nông thôn.
    · Các trung tâm phân phối chung, nằm ở ngoại ô của các thành phố, sẽ tập kết hàng và dùng phương thức lưu chuyển hàng liên tục (cross-docking) để tiết kiệm thời gian, trước khi chuyển hàng đến các điểm bán lẻ.
    · Các vùng nông thôn cũng sẽ có các trung tâm phân phối với vai trò tương tự như các trung tâm phân phối ở thành phố.
    · Các điểm phân phối sẽ được bố trí rất thuận tiện để đưa hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất, chẳng hạn giao hàng đến tầng trệt của một chung cư cao tầng, giao về các cửa hàng bán lẻ nhỏ trong một khu dân cư…
    Với mô hình trên, rõ ràng chuỗi cung ứng tương lai sẽ giúp chúng ta vượt qua được những thách thức từ môi trường thông qua mối quan hệ cộng tác chặt chẽ. Thông tin tiêu dùng được truyền đi liên tục trong chuỗi cung ứng giúp nhà sản xuất nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường và không bị tồn kho. Các nhà kho thay vì phân tán rải rác (mỗi doanh nghiệp đang sở hữu nhà kho riêng, với quy mô dành cho riêng doanh nghiệp mình) được hợp nhất thành các nhà kho trung tâm, giảm được rất nhiều chi phí về đất đai, xây dựng, nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ quy mô và nâng cao tính thân thiện với môi trường. Các phương tiện vận tải chung sẽ giảm lưu lượng lưu thông, tiết kiệm năng lượng, giảm kẹt xe và khí thải. Các trung tâm phân phối sẽ rất gần người tiêu dùng giúp giảm thời gian chờ trong chuỗi cung ứng. Theo tính toán của nhóm dự án, nếu mô hình hợp tác trên có thể thực hiện được, giả định chỉ sử dụng công nghệ kho bãi và vận chuyển hiện tại, chi phí vận chuyển trên mỗi Pallet có thể giảm 30%, thời gian lưu chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng giảm 40%, đồng thời, giảm 25% lượng khí thải CO2 trên mỗi Pallet trong khi vẫn đảm bảo hàng hóa luôn sẵn sàng trên quầy kệ. Rõ ràng, chuỗi cung ứng tương lai được kỳ vọng đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho các ngành công nghiệp, cho từng doanh nghiệp, và cho mọi người tiêu dùng. Mối quan tâm giờ đây là làm sao để triển khai được mô hình chuỗi cung ứng này một cách rộng rãi trên phạm vi toàn cầu ?
    Giải pháp cho một số ngành hàng tiêu dùng
    Dự án đã đề xuất ra một số giải pháp quản trị chuỗi cung ứng cho từng ngành hàng cụ thể. Xin ưu tiên chọn những ngành hàng gần gũi với Việt Nam để chia sẻ cùng độc giả.
    Ngành hàng nước giải khát. Ngành nước giải khát có đặc điểm chi phí tồn kho cao và chi phí vận chuyển lớn (hàng nặng). Ngoài ra, khả năng dự báo còn nhiều hạn chế do thông tin không được chia sẻ thường xuyên trong chuỗi cung ứng (giữa người bán lẻ và nhà phân phối, giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên vật liệu). Giải pháp đề nghị bao gồm :
    · Sử dụng một nhà kho chung, được quản lý bởi một nhà cung cấp dịch vụ Logistics độc lập. Hãy nghĩ đến kịch bản Pepsi, Coca-cola và Tân Hiệp Phát cùng để cho một công ty dịch vụ Logitics như ICD Sóng Thần hay Mearsk quản lý, lưu trữ hàng trong một kho lớn chung.
    · Sử dụng xe chuyên dụng (kích thước lớn) để cùng chứa các sản phẩm nước giải khát, như thế sẽ tiết kiệm được số lượng xe cần thiết và các bên đều có lợi.
    · Giảm các trung tâm phân phối nhỏ và phân tán, tập trung vào các trung tâm phân phối hiện đại và chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường (green warehouse).
    · Cập nhật và đồng bộ dữ liệu trong toàn chuỗi cung ứng. Mỗi hành vi mua sẽ được gửi tín hiệu đến cho trung tâm thông tin để quay ngược dần dần về trung tâm phân phối, nhà máy và nhà cung cấp nguyên vật liệu. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện nhờ công nghệ truyền dẫn đang ngày càng rẻ và thiết bị đầu cuối cũng ngày càng phổ thông (như điện thoại di động).
    Ngành hàng rau quả. Hàng rau quả có đặc điểm chu kỳ ngắn (từ lúc thu hoạch đến lúc tiêu thụ), phải đảm bảo được chất lượng và tươi ngon, phải di chuyển xa từ nơi thu hoạch đến người tiêu dùng và phải cung ứng cho địa phương và cả toàn cầu. Giải pháp đề nghị bao gồm :
    · Sử dụng các túi đựng được tiêu chuẩn hóa, dễ mang vác, chuyên chở.
    · Rau quả sau khi thu hoạch được chuyển về kho trung tâm chung với đầy đủ công nghệ lưu trữ lạnh (như mô hình kho nông sản của Metro ở Lâm Đồng) và tiết kiệm điện năng (dùng điện năng từ gió và năng lượng mặt trời).
    · Thiết lập các dịch vụ sơ chế hoặc chế biến sẵn ngay tại các kho trung tâm giúp đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon và dễ vận chuyển.
    · Sử dụng phương tiện chuyên chở tiết kiệm như xe tải có hệ thống làm lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời.
    Hành động vì thế hệ mai sau
    Lộ trình đi đến chuỗi cung ứng tương lai sẽ đòi hỏi sự kết hợp của các tập đoàn, các công ty lớn, và các đối tác trong chuỗi cung ứng. Từ «hợp tác» được nhấn mạnh rất nhiều lần, bởi lẽ mỗi doanh nghiệp có thể đóng góp một số giải pháp sáng tạo nhưng chỉ dựa trên hoàn cảnh cụ thể của mình và chưa đủ để tạo ra một giải pháp sáng tạo phù hợp với mục tiêu chung. Cần có những công ty đầu ngành đứng ra khởi xướng để thúc đẩy chuyện hợp tác trong các chương trình hành động sau:
    · Chia sẻ thông tin – thúc đẩy việc chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng của các ngành hàng. Tận dụng xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong việc chia sẻ thông tin (RFID, đường truyền không dây tốc độ cao, các trung tâm thông tin...)
    · Sử dụng các nhà kho chung cho một hoặc nhiều ngành hàng (tùy theo quy mô). Nhà kho sẽ do một doanh nghiệp 3PL chuyên nghiệp điều hành để nhà sản xuất chỉ cần tập trung vào năng lực lõi là sản xuất và tiếp thị.
    · Thiết lập các trung tâm phân phối ở các đô thị lớn và mạng lưới phân phối đến tận nhà hoặc các điểm bán lẻ. Chính quyền địa phương nên tham gia vào công tác hoạch định mạng lưới phân phối này và có chính sách ưu tiên hỗ trợ. Mô hình này cũng giúp giảm bớt bài toán kẹt xe ở các đô thị hiện nay.
    Kịch bản về chuỗi cung ứng năm 2016 có thể chưa trở thành hiện thực trong năm 2016, hoặc có thể chưa được triển khai áp dụng trên phạm vi toàn cầu ngay lập tức, nhưng nó phản ánh một xu thế cốt lõi và tất yếu: con người phải hợp tác với nhau nhiều hơn, tin cậy nhau để xây dựng một thế giới bền vững. Nếu không, thế hệ mai sau sẽ không còn được chứng kiến những điều tốt đẹp như chúng ta đang được thụ hưởng ngày nay. Người lãnh đạo là người được kỳ vọng thấy trước tương lai và dẫn dắt những người xung quanh đi đến tương lai đó. Hy vọng, thông điệp từ báo cáo trên sẽ làm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm.

    #qalogistics #supplychain