Thị phần vận tải thủy nội địa sẽ đạt mức 35% vào năm 2025?



  • (VLR) Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) hiện nay đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối logistics, đặc biệt là trong xuất khẩu hàng hóa. Vận tải ĐTNĐ và vận tải ven biển có ưu thế về giá cước thấp, vận tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, ít ô nhiễm môi trường và an toàn. Với những lợi ích đem lại, định hướng tới năm 2025, thị phần vận tải thủy nội địa đạt mức 35% vào năm 2025 thay vì 18% như hiện tại.

    Kênh kết nối quan trọng

    Ngày 09/10 vừa qua, tại TP. HCM, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đại diện UBND của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam; Cục Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA),…
    Tại Hội nghị, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA chia sẻ: “Giao thông ĐTNĐ hiện nay đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa, thông qua việc kết nối logistics, kết nối giữa các cảng, ICD và cảng, trung chuyển hàng hóa từ nội địa đến các nước trong khu vực và quốc tế... đồng thời đóng vai trò lớn trong việc giảm chi phí logistics nhờ khả năng vận tải hàng hóa số lượng lớn với chi phí thấp, tính an toàn cao, ít gây ô nhiễm môi trường so với nhiều loại hình vận tải khác”.
    Cũng theo Chủ tịch VLA, hiện nay trên 95% hàng hóa kết nối giữa TP. HCM đến cảng Cái Mép - Thị Vải là bằng phương thức ĐTNĐ. Theo đó, sản lượng vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ tại TP. HCM và các tỉnh/thành Đông Nam Bộ đạt mức 3,5 triệu TEUs. Sản lượng vận tải hàng hóa từ các ICD thuộc khu vực TP. HCM đi Cái Mép - Thị Vải trong năm 2019 là 2,3 triệu TEUs, trong đó sản lượng của toàn cảng Cái Mép - Thị Vải 3,75 triệu TEUs. Bình quân tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng ĐTNĐ tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải là 20% qua mỗi năm. Có thể thấy nhu cầu sử dụng hệ thống giao thông ĐTNĐ là vô cùng lớn, chính vì vậy, công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ cần được thực hiện một cách đồng bộ, căn cứ vào dự báo nhu cầu một cách chính xác.

    Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Cụ thể, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 47/2015/ QĐ-TTg, Chính phủ đánh giá cao những kết quả đã đạt được. Năm 2019, khối lượng vận tải hàng hóa đạt hơn 300 triệu tấn, chiếm 18,02% toàn ngành, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 63 tỷ tấn, chiếm 19,66% toàn ngành; tốc độ tăng trưởng vận chuyển bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 10,08%/năm (cao hơn 1,44 lần so với giai đoạn 2011 - 2015).

    Tối ưu để phát huy thế mạnh

    Theo Sách trắng VLA - 2018, Việt Nam là nước có mật độ sông ngòi, kênh rạch vào loại lớn trên thế giới, hiện có khoảng 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900km, mật độ bình quân 0,27 kmd/km2 , và 124 cửa sông. Tổng chiều dài ĐTNĐ toàn quốc đang quản lý khai thác là 17.253km, Trung ương quản lý các tuyến ĐTNĐ quốc gia với tổng chiều dài khoảng 7.071,8km (chiếm 41% tổng chiều dài đường thủy nội địa đang khai thác, quản lý của cả nước).
    Trong bối cảnh vận tải container ở nước ta đang ngày càng phát triển và vận tải đường bộ đang quá tải thì việc chuyên chở và trung chuyển hàng container bằng đường thủy nội địa là một trong những giải pháp vận tải tối ưu trong việc kết nối với các cảng biển chính như: Cảng TP. HCM, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cụm cảng Hải Phòng - Lạch Huyện.

    Theo Chủ tịch Hiệp hội VLA, chúng ta cần phát huy một cách tối ưu tài nguyên ĐTNĐ, đặc biệt là tại các tuyến TP. HCM và cảng Cái Mép - Thị Vải, Cái Mép - Thị Vải với Campuchia và ngược lại,… Hiện nay, Campuchia đang có một nhu cầu rất lớn về vận chuyển hàng hóa, nhưng chỉ có duy nhất một cảng Sihanoukville là tàu có thể vào được, còn lại sử dụng thông qua cảng Phnôm Pênh. Do đó, cảng Cái Mép - Thị Vải cần nâng cao hơn nữa vai trò là cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế từ các cảng nhỏ trong khu vực tới bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ và một số cảng ở Trung Đông, châu Âu.

    1605235980-port-of-hamburg-inland-shipping-1280x640-1578018908877445362609.jpg
    Định hướng phát triển

    Theo nghiên cứu của VLA, đối với giao thông ĐTNĐ, vai trò điều phối container rỗng đến các vùng sản xuất là vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần chủ động tăng cường kết hợp vận tải thủy nội địa và vận tải biển, tận dụng năng lực của các hãng tàu nội địa và kết hợp với các hãng tàu quốc tế, đưa thị phần vận tải thủy nội địa đến năm 2025 đạt 35% (hiện nay khoảng 18%).

    Theo báo cáo của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) về mục tiêu phát triển ĐTNĐ giai đoạn 2021 - 2030, thì đến năm 2030, tổng sản lượng vận tải hàng hóa ĐTNĐ đạt từ 651,93 triệu tấn/năm đến 690,5 triệu tấn/năm, chiếm thị phần 14,52% - 14,61% toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 8,49% - 9,06%/năm. Khối lượng luân chuyển đạt từ 139.309 triệu tấn/km - 147.551 triệu tấn/km, chiếm thị phần 17,38% - 19,04% toàn ngành.

    Tầm nhìn đến năm 2050, cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ĐTNĐ hiện đại, bền vững đảm bảo kết nối thuận lợi với các phương thức vận tải khác. Chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải được nâng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa với giá thành hợp lý, an toàn. Đồng thời, nâng cao thị phần vận tải hàng hóa trên các hành lang vận tải chính của quốc gia và quốc tế, phát triển mạnh các tuyến vận tải thủy nội địa ra các đảo. Hiện đại hóa các cảng ICD, các cảng chính tại các vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa.

    Nguồn: http://vlr.vn/
    http://vlhl.vn/


Hãy đăng nhập để trả lời