Vận tải hàng hóa hàng không: Làm gì để hiện thực hóa 'giấc mơ bay'?



  • TheLEADER Vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam chỉ chiếm dưới 1% tổng vận tải hàng xuất khẩu nhưng mang lại 25% trên tổng giá trị xuất khẩu.

    Trong những năm gần đây, thị trường vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam có những bước phát triển rõ rệt. Sự phát triển của ngành hàng không đã góp phần mạnh mẽ vào việc kết nối các ngành kinh tế trên thế giới. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng như các sản phẩm chủ lực có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhanh hơn với thị trường quốc tế.

    Theo ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc Vietjet Cargo cho biết hiện nay, vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam chỉ chiếm dưới 1% tổng vận tải hàng xuất khẩu (khoảng 1,1 triệu tấn) nhưng mang lại 25% trên tổng giá trị xuất khẩu do chuyên vận chuyển các mặt hàng giá trị cao như: Laptop, smartphone.

    Chuỗi cung ứng của ngành hàng không Việt Nam đóng góp vào GDP khoảng 3 tỷ USD, các hãng hàng không của Việt Nam chủ yếu mở các đường bay tới các khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, tuy nhiên chưa có đường bay trực tiếp đến khu vực Bắc Mỹ.

    Tổng sản lượng hàng hóa khai thác qua các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2016 là 1,1 triệu tấn và dự kiến nâng lên 1,4 triệu tấn vào năm 2017. Đến năm 2020, sản lượng khai thác dự kiến sẽ đạt 2,5 triệu tấn.

    Hiện nay, Việt Nam có 157 tàu bay và 28 trực thăng. Trong giai đoạn 2017-2020, đội tàu bay Việt Nam sẽ bổ sung thêm 93 chiếc, nâng số lượng tàu bay lên 242 chiếc vào năm 2020.

    Đặc biệt, ông Quang cho biết trong quý I/2018, Vietjet dự kiến sẽ đưa máy bay chuyên vận tải hàng hóa vào hoạt động.

    Top 20 quốc gia nhập khẩu qua đường hàng không vào Việt Nam bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Loan, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử, phụ kiện cho ngành may mặc.

    Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đứng đầu với 74 ngàn tấn, chiếm 25% thị phần về nhập khẩu vào Việt Nam qua đường hàng không.

    Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2016 là 355 ngàn tấn, chủ yếu đến các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc và Hàn Quốc.

    Ông Quang dự báo xuất khẩu hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, Châu Âu vẫn là thị trường dẫn đầu, thị trường các nước khối ASEAN tiếp tục tăng nhờ các chính sách giảm thuế. Một số thị trường tiềm năng như châu Phi tiếp tục phát triển.

    Theo ông Quang, ngành vận tải hàng hóa hàng không của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của vận tải hàng không. Cơ sở hạ tầng hàng không đang được sửa chữa và xây dựng mới.

    Trong những năm gần đây, các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Intel hay các doanh nghiệp thời trang như Adidas, Zara cũng đang đổ bộ vào Việt Nam.

    Bên cạnh đó, ngành thương mại điện tử của Việt nam đang phát triển nhanh chóng với tốc độ 15 - 23% mang lại doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm cũng đang tạo cơ hội rất lớn cho ngành vận tải hàng không.

    Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất trên thế giới, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam.

    Ông Quang đánh giá hiện nay với những chính sách của Chính phủ cũng như cơ chế hải quan một cửa đang được thực hiện, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ trở thành trung tâm vận tải hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Nam Á; đây sẽ là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

    Tuy nhiên, ngành vận tải hàng hóa qua đường hàng không cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xăng dầu biến động, cơ sở hạ tầng sân bay còn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, sân bay bị quá tải rất nhiều.

    Bên cạnh đó, so với các nước xung quanh, vận tải hàng không của Việt Nam mặc dù phát triển nhanh nhưng còn rất nhỏ bé. Các hãng hàng không của Việt Nam đang chủ yếu tập trung phát triển vận tải hành khách chứ chưa chú trọng vào vận tải hàng hóa. Nguồn nhân lực cho ngành vận tải hàng không cũng đang thiếu rất nhiều.

    Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng ông Quang cho rằng thị trường vận tải hàng không có rất nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp để tạo điều kiện cho ngành dịch vụ này.

    Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng các trung tâm logistics hàng không, đặc biệt tại sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng. Hiện nay các sân bay tại Việt Nam vẫn chưa có khu vực xử lý hàng hóa nên thời gian cũng như chi phí vận chuyển hàng đến sân bay rất cao. Chẳng hạn, để vận chuyển 1kg tôm hùm sang Bangkok chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút nhưng thời gian vận chuyển từ Cát Bà lên nội bài lên tới 8 giờ.

    Thứ hai, cần biến Hà Nội và TP. HCM trở thành trung tâm vận tải của khu vực Đông Nam Á bằng việc cải cách, đơn giản hóa các quy chế về hải quan, đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng.

    Thứ ba, Chính phủ nên có cơ chế mới để mở ra các điểm thông quan nội địa (ICD) hàng không lâu dài. Hiện tại, tại các sân bay ở Việt Nam, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, khu vực xử lý hàng hóa rất chật hẹp và không đủ để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

    Như vậy, tạo dựng cơ chế thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng, đồng thời kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng sẽ giúp dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không của Việt Nam khai thác được hết các tiềm năng vốn có, góp phần vào sự phát triển của hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.