Tổng quan thị trường vận tải nội địa



  • (Bài viết của Dũng Gary @ garynguyen.info )

    Sau một vài năm tham gia vào thị trường nội địa, tôi có một số đúc rút về thị trường vận tải đường biển nội địa như dưới đây. Chúng ta có thể chia làm hai chiều và hai thị trường rõ rệt như sau:

    THỊ TRƯỜNG MIỀN NAM (CHIỀU HỒ CHÍ MINH ĐI HẢI PHÒNG)

    Các mặt hàng chính:

    Mì ăn liền
    Nước giải khát
    Tôn cuộn
    Cao su
    Bột cá
    Thức ăn gia súc
    Gạo
    Hàng tiêu dùng

    Về cơ bản thì thị trường miền Nam xuất ra bắc là các mặt hàng thành phẩm, ngoài ra có một số mặt hàng nông sản mà chiếm tỷ trọng đáng kể là mặt hàng gạo. Hàng năm vào khoảng tháng 10 hàng gạo bắt đầu rục rịch và nhu cầu vận chuyển ra bắc tang cáo cho đến giáp Tết. Mặt hàng gạo là mặt hàng mang tính thời vụ rất cao nên khi tang làm cho thị trường vận tải nội địa thay đổi nhanh chóng. Giá cước tang cao thậm chí một số hãng tàu còn hạn chế nhận mặt hàng gạo để giữ cơ cấu hàng hóa đa dạng đề phòng thời điểm mùa gạo trôi qua làm cho sản lượng sụt giảm mà không giữ được các khách hàng đóng các mặt hàng khác.

    Mặt hàng cao su là mặt hàng nông sản thứ hai chiếm tỉ trọng lớn và không phụ thuôc vào thời vụ mà phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ tại biên giới Việt Nam giáp với Trung Quốc ở các cửa khẩu. Tương tự nhu vậy thị mặt hàng dầu cá cũng phụ thuộc vào tình hình cung cầu tại biên giới.

    Nước giải khát là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong top ba mặt hàng (cùng với gạo và cao su). Mặt hàng này có nhu cầu vận chuyển khá đều và tang cao vào mùa nóng vì nhu cầu nước giải khát tại miền bắc cho các loại nước uống đóng chai tang mạnh. Một trong những nhà sản xuất có sản lượng “khủng” mà chúng ta đều biết là Tân Hiệp Phát với các sản phẩm quen thuộc như Trà Xanh 0 Độ, Dr. Thanh, C2,…

    Các mặt hàng khác tham gia vào thị trường xuất đi Miền bắc ngoài các tên hàng kể trên còn có Mỹ phẩm, hàng điện tử, bông, v…v nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ.

    Hầu hết các mặt hàng đi từ Hồ Chi Minh ra Miền bắc đóng trong container 40’, có trọng lượng trung bình nhẹ hơn so với các mặt hàng nguyên lieu từ Miền bắc vào. Đây chính là lý do dẫn đến sự mất cân bằng vỏ container hai đầu do hàng nhập từ Miền bắc lại chủ yếu là hàng đóng trong container 20’.

    Giá cước biển cho chiều đi từ Hồ Chi Minh đi đến Hải Phòng cao hơn nhiều so với chiều người lại. Tại thời điểm mà chúng tôi viết bài này thì chúng đang ở mức 7.000.000đ/20 và 12.500.000đ/40’ trung bình trên thị trường. Điều đáng ngạc nhiên trong một vài năm trở lại đây thì mức cước cho “chiều ra” (HCM – HP) được giư ở mức khá cao và không giảm nhiều do nhu cầu vận tải nội địa không bị tụt giảm nhiều như trước đây. Thậm chí trong những thời điểm mà trước đây nhu cầu vận tại nội địa rất thấp là vào mua mưa, cao điểm là tháng “ngâu”, anh chị em trong nghề vẫn hay gọi nôm na là “tháng cô hồn” – tháng 7 âm lịch thì nhu cầu vận tải vẫn giữ ở mức khá và giá cước dùy trì ở mức cao.

    Hiện nay ta có thể nói rằng khai thác dịch vụ vận tải đường biển nội địa đối với các hãng tàu nội địa thì chiều ra đang gánh cho chiều vào.

    THỊ TRƯỜNG MIỀN BẮC (CHIỀU HẢI PHÒNG ĐI HỒ CHÍ MINH)

    Bột nhẹ
    Vôi
    Than
    Gỗ
    Giấy
    Nhôm
    Bột đá
    Phân (DAP, ure)
    Cám
    May mặc
    Quặng
    Đệm mút
    Gạch
    Vỏ chai
    Một cách khái quát nhất, thị trường vận tải nội địa xuất từ Miền bắc vào Nam chủ yêu là các mặt hàng nguyên liệu, có tỷ trọng lớn, trong trong container 20’.

    Mặt hàng chủ đạo nhất là “bột đá” với ứng dụng đa dạng cho rất nhiều ngành sản xuất, chăn nuôi trong miền Nam. Thậm chí đã có bài báo đăng tin là bột đá có mặt cả trong kẹo. Hàng bột đá đi đều không mang tính mùa vụ. Có ảnh hưởng do yêu tố thời tiết nhưng không đáng kể. Trời mưa làm sản lượng giảm do năng suất đóng hàng giảm.

    Mặt hàng phân DAP, ure là mặt hàng phục vụ cho chăm bón trong miền Nam nên bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố mùa vụ. Trong năm có một vài thời điểm nhu cầu tang đột biến nhưng sau đó sụt giảm rất nhanh. Khi tang gây ra cơn sốt giá và chỗ đánh bật các mặt hàng khác ra khỏi tàu ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Thị trường vận tải nội địa không có khái niệm giữ giá theo tháng mà tang theo chuyến trong những thời điểm sốt, và giảm khi hạ nhiệt.

    Mặt hàng gạch có thể kể đến như là mặt hàng đứng thứ ba về sản lượng trong năm xuất vào miền Nam. Đây là mặt hàng đi đều, có giá trị hơn bột đá và khách hàng thường có yêu cầu cao hơn về thời gian vận tải.

    Ngoài ra, thị trường vận tải miền bắc có sự góp mặt của nhiều mặt hàng khác nhau không giới hạn bởi danh sách trên nhưng thường là những mặt hàng bán thành phẩm hoặc là nguyên liệu đầu vào cho một hoặc nhiều bước sản xuất tiếp theo. Thị trường vận tải nội địa miền Bắc nói riêng và toàn bộ thị trường vận tải nội địa nói chung có sự liên kết chặt chẽ với tình hình tiêu thu tại biên giới hoặc các chính sách giữa hai nước về việc đóng, mở, hạn chế giao thương tại biên giới. Trong những khoảng thời gian mà biên giới bị cấm/đóng cửa. Thị trường tụt sâu và giá cước giảm thảm hại. Có những thời điểm chỉ còn ở mức 2.000.000đ/20’ và 3.000.000đ/40’ như năm 2006-2007. Hiện nay mức cước so với “chiều ra” vẫn thấp hơn nhiều ở mức 6.000.000đ/20’ và 7.000.000đ/40’ trung bình trên thị trường. Rất may cho các hãng tàu nội địa là thị trường Miền Nam có nhu cầu khá ổn định và giá cước tốt nên bài toán tổng thể không quá ảm đạm.