Ứng dụng CNTT trong logistics tại Việt Nam còn khiêm tốn



  • Việc ứng dụng CNTT-TT trong các hoạt động logistics của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn ở mức rất khiêm tốn, cả về giải pháp, thiết bị sử dụng, nhân viên chuyên trách về CNTT-TT.

    Thông tin nêu trên có trong Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2017 (do Bộ Công Thương thực hiện) vừa được công bố tại Tọa đàm Hợp tác kinh tế, thương mại và logistics Việt Nam - Trùng Khánh diễn ra ngày 8/5 ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Trùng Khánh tổ chức.

    Minh chứng rõ hơn cho nhận định ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động logistics của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn, Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2017 nêu rõ ví dụ như hệ thống quản lý điều hành dịch vụ kho hàng (WMS). Không có quy định bắt buộc áp dụng nhưng theo thông lệ thì các công ty cung cấp dịch vụ logistics và phân phối chắc chắn phải trang bị hệ thống này. Các WMS thế hệ mới còn phải kết nối với hệ thống điều hành kho, thường là tự động hóa với các hệ thống điều khiển lập trình được, nhúng kèm phần trí tuệ nhân tạo thay cho các quy trình quản lý tiêu chuẩn truyền thống.

    Thế nhưng, nguồn cung cấp các WMS tại Việt Nam hiện rất hạn chế. Các công ty phần mềm trong nước đa số chưa hiểu rõ tính năng yêu cầu, mô hình kinh doanh của công ty dịch vụ logistics, lực lượng hỗ trợ kỹ thuật thiếu kinh nghiệm.

    Với các công ty trong nước, chỉ có các công ty lớn chuyên làm kho phân phối như một số đơn vị thành viên Tổng Công ty Tân Cảng đang chuyển đổi mô hình thành trung tâm phân phối xuất nhập khẩu, hoặc các doanh nghiệp Gemadept Logistics, VINAFCO, U&I, TBS, Transimex, Sotrans… đang phát triển các ứng dụng WMS. Các doanh nghiệp này thường gặp phải khó khăn khi phát triển ứng dụng, thường phải mua sản phẩm của nước ngoài, quá trình cài đặt và đưa vào vận hành gặp nhiều khó khăn, khâu kết nối trong nội bộ và với khách hàng đều cần có giải pháp tốt hơn.

    Hầu hết các công ty nhỏ làm kho bãi chưa có hệ thống quản lý tốt, tỷ lệ có WMS ước tính chưa tới 10%.

    Một ví dụ khác là hệ thống quản lý vận tải (TMS) cho dịch vụ logistics. Về lý thuyết, hệ thống này cần có khả năng quản lý cùng lúc các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng nhiều phương thức khác nhau, qua nhiều biên giới khác nhau nhưng chỉ do một nhà điều hành thực hiện.

    Tuy nhiên, nhà cung cấp TMS chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn rất hạn chế, việc cài đặt hệ thống còn gặp rất nhiều khó khăn do khả năng liên kết đồng bộ dữ liệu với các hãng tàu, hãng hàng không, hải quan, cảng biển, cảng hàng không, và trong nội bộ các công ty logistics quá phức tạp.

    Các công ty trong nước thường ứng dụng các hệ thống quản lý vận tải nội địa, quản lý đội xe, sử dụng các công cụ quản lý dịch vụ giao nhận truyền thống do các nhà cung cấp trong nước phát triển (như Fast, Vĩ Doanh FMS…). Tỷ lệ ứng dụng cũng chỉ dưới 10% số doanh nghiệp. Đa số còn dùng Excell tự quản lý. Chưa có những hệ thống thích hợp cho các công ty nhỏ và vừa Việt Nam.

    Một ví dụ khác nữa là robot trong kho hàng. Có hai loại hệ thống chủ yếu phân chia theo cách thức cất trữ và lấy hàng ra từ vị trí cất trữ trong kho: Một là hệ thống tự động cất trữ và lấy ra (ASRS), hai là hệ thống hàng tự tới người (GTM).

    Tại Việt Nam, các nhà cung cấp ARSR không nhiều, hầu như chỉ có Công ty Schenker của Đức có văn phòng đại diện, và mới có một dự án lớn với Vinamilk tại Bình Dương. Ngoài ra, chưa có công ty nào đầu tư kho tự động ASRS tại Việt Nam.

    Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đột phá trong ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.

    Phát biểu tại Tọa đàm Hợp tác kinh tế, thương mại và logistics Việt Nam - Trùng Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Thị trường dịch vụ logistic Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình 20 – 25%/năm). Theo Chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam xếp hạng 64/164 nước, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nhu cầu phục vụ quy mô xuất nhập khẩu và bán lẻ hàng hóa ngày càng lớn với khối lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến tăng lên đến 900 triệu – 1 tỷ tấn vào năm 2030, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics trong thời gian tới.

    Ngọc Mai